HUẤN LUYỆN CÁN BỘ LÀ CÔNG VIỆC GỐC CỦA ĐẢNG

Thứ tư - 11/05/2016 05:39
DSC 9519
DSC 9519
(Bài Đăng trên Tạp chí lý luận chính trị và truyền thông tháng 4/2016)
                                               
Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ thiên tài, người thầy vĩ đại của cách mạng Việt Nam, anh hùng giải phóng dân tộc, Nhà văn hoá kiệt xuất đã đi xa, để lại cho chúng ta di sản tinh thần to lớn, những tư tưởng vô giá, những giá trị nhân văn cao cả. Cuộc đời và sự nghiệp của Người là tấm gương sáng ngời cho toàn Đảng, toàn dân ta phấn đấu noi theo. Trong di sản quý giá mà Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại, tư tưởng về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ có vị trí đặc biệt quan trọng. Bác khẳng định: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc. Vì vậy, huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng” (1). Đảng phải nuôi dạy cán bộ như người làm vườn vun trồng những cây cối quý báu.
Nội hàm khái niệm huấn luyện cán bộ trong tư tưởng Hồ Chí Minh rất  rộng, hết sức phong phú: Từ việc xác định mục đích, yêu cầu đến nội dung, phương pháp huấn luyện, từ chủ thể đến đối tượng huấn luyện...
Về mục đích: Theo Bác, huấn luyện cán bộ phải phục vụ trực tiếp việc tạo ra mẫu người mà thời đại cần, là đào tạo ra những chủ nhân tương lai của nước nhà. Trong lời ghi ở trang đầu quyển sổ vàng của Trường Nguyễn Ái Quốc Trung ương, Bác chỉ rõ: "Học để làm việc, làm người, làm cán bộ. Học để phụng sự đoàn thể, giai cấp và nhân dân, Tổ quốc và nhân loại"(2). Người chủ nhân tương lai của nước nhà mà Bác thường nhắc tới đó là con người xã hội chủ nghĩa. Con người luôn biết đặt lợi ích chung của đất nước lên trên lợi ích của cá nhân mình. Người cán bộ phải biết trung với nước, hiếu với dân, yêu thương con người, sống có tình nghĩa; phải cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư, có niềm tin vào lý tưởng. Việc dạy và học tập phải theo nhu cầu, đòi hỏi của thực tiễn: "Các ngành công tác như là người tiêu thụ hàng. Ban huấn luyện như là người làm ra hàng. Làm ra hàng phải đúng với yêu cầu của người tiêu thụ. Nếu người ta cần nhiều xe mà mình làm ra nhiều bình thì hàng ế" (3)
Yêu cầu trong huấn luyện cán bộ: Là phải làm sao có hiệu quả cao, đào tạo ra cán bộ vừa “hồng” vừa “chuyên”. Người chỉ ra những khuyết điểm trong huấn luyện cán bộ như:  Lý luận và thực tế không ăn khớp với nhau, dạy chính trị thì mênh mông mà không thiết thực, học rồi không dùng được, huấn luyện mà hiệu quả ít, không biết quý chất lượng hơn số lượng, nên khuyết điểm là mở lớp quá đông… Bác căn dặn: "Mở lớp nào cho ra lớp ấy. Lựa chọn người dạy và người học cho cẩn thận. Đừng mở lớp lung tung"(4). Đào tạo cán bộ phải gắn với công việc cụ thể, làm việc gì, học việc nấy. Huấn luyện lý luận phải gắn liền với thực tiễn, học phải đi đôi với hành, vì: "Nghiên cứu mà không thực hành là nghiên cứu suông. Thực hành mà không nghiên cứu thì hay bị mù quáng" (5), và: "Thực tiễn không có lý luận hướng dẫn thì thành thực tiễn mù quáng. Lý luận mà không liên hệ với thực tiễn là lý luận suông" (6).  Theo Hồ Chí Minh thì thực hành sinh ra hiểu biết, hiểu biết để tiến tới lý luận, lý luận lãnh đạo thực hành. Huấn luyện chính trị cần phải có, song tuỳ từng loại cán bộ mà định hướng chương trình cho phù hợp. Các lớp học phải tổ chức theo trình độ văn hoá chứ không theo cấp bậc cán bộ cao hay thấp, phải chú trọng đội ngũ giáo viên. Do huấn luyện cán bộ là công việc rất khó, và lâu dài nên đòi hỏi phải có sự nỗ lực của cả người huấn luyện và người học thì hiệu quả mới cao.
 Đối với người huấn luyện (giảng viên): Bác cho rằng: Không phải ai cũng huấn luyện được. Người huấn luyện trước hết phải xác định huấn luyện là một nghề. Huấn luyện cán bộ nằm trong nghề cách mạng. Đã là một nghề thì phải thông thạo nghề huấn luyện. Thông thạo là phải nắm vững nội dung, phương pháp, biết cái gốc, cái chính; biết những tài liệu cần thiết giúp cho người học đạt hiệu quả. Phải chống bệnh "ba hoa". Tiêu chuẩn cụ thể của người huấn luyện là: Về mặt tư tưởng thì phải kiên định mục tiêu, lý tưởng, con đường cách mạng, nắm vững những nguyên lý của chủ nghĩa Mác - Lênin, đường lối cách mạng của Đảng, từ đó truyền cho người học niềm tin vào sự tất thắng của cách mạng. Về mặt đạo đức thì phải luôn luôn là tấm gương sáng ngời để người học noi theo, phải luôn cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư… sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập, tự do của tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội. Về tác phong làm việc phải nghiêm túc, khoa học, phải thường xuyên học tập nâng cao trình độ, biết học những điều hay và thu hái những hiểu biết quý báu của các đời trước để lại,.
Đối với người học (học viên): Theo Bác phải biết “lấy tự học làm cốt”, “phải biết tự động học tập”. Điều quan trọng nhất của tự học là xác định tư tưởng cho đúng, phải thường xuyên tu dưỡng phẩm chất đạo đức cách mạng, coi đó vừa là biện pháp, vừa là mục đích của học tập "Học để tu dưỡng đạo đức cách mạng: có đạo đức cách mạng thì mới hy sinh tận tụy với cách mạng, mới lãnh đạo được quần chúng, đưa cách mạng tới thắng lợi hoàn toàn"(7) . Người cán bộ không những cần được đào tạo cơ bản trong nhà trường, mà còn phải học hỏi, nghiên cứu trong hoạt động thực tiễn; học hỏi ở đồng chí, bạn bè trong và ngoài nước. Kết hợp học và hành, gắn lý luận với thực tiễn, dùng kiến thức được trang bị góp phần cải tạo xã hội, xây dựng đất nước.
Về nội dung huấn luyện:
Trước hết phải chú trọng việc giáo dục lý tưởng, đạo đức cách mạng cho cán bộ. Với Bác, việc giáo dục những tri thức tổng hợp cho cán bộ là quan trọng, song trước hết là phải giáo dục lý tưởng XHCN: Sống không có lý tưởng thì sẽ thiếu niềm tin. Thiếu niềm tin XHCN thì làm sao xây dựng thành công CNXH được “Để làm sao cho tất cả cán bộ, đảng viên xứng đáng là những chiến sỹ cách mạng, Đảng ta phải ra sức tăng cường giáo dục toàn Đảng về lý tưởng cộng sản chủ nghĩa về đường lối, chính sách của Đảng, về nhiệm vụ, đạo đức của người đảng viên”(8.)
Huấn luyện cán bộ về lý luận: Người huấn luyện và người được huấn luyện phải xác định được vai trò của lý luận. Hồ Chí Minh hoàn toàn nhất trí với quan điểm của Mác rằng: vũ khí phê phán không thể thay thế sự phê phán bằng vũ khí được, lực lượng vật chất chỉ có thể bị đánh đổ bằng lực lượng vật chất mà thôi. Nhưng lý luận sẽ trở thành lực lượng vật chất khi nó xâm nhập vào quần chúng. Trong tác phẩm “Đường cách mệnh” Bác đã dẫn lại câu nói của Lênin để nhấn mạnh tầm quan trọng của lý luận: “Không có lý luận cách mệnh thì không có cách mệnh vận động… chỉ có theo lý luận cách mệnh tiên phong, Đảng cách mệnh mới làm nổi trách nhiệm cách mệnh tiên phong.” (9). Người còn nhấn mạnh: "Lý luận như cái kim chỉ nam, nó chỉ phương hướng cho chúng ta trong công việc thực tế. Không có lý luận thì lúng túng như nhắm mắm mà đi …Có kinh nghiệm mà không có lý luận, cũng như một mắt sáng, một mắt mờ (10).  Bởi vậy, theo Người bất kỳ hoàn cảnh nào cán bộ, đảng viên cũng phải ra sức học tập để nâng cao trình độ văn hoá, tri thức về chính trị và trình độ lý luận. Bác viết: “Có học tập lý luận Mác - Lênin mới củng cố được đạo đức cách mạng, giữ vững lập trường, nâng cao sự hiểu biết và trình độ chính trị, mới làm tốt được công tác Đảng giao phó cho mình”(11). Bác đặt ra yêu cầu người học trong quá trình học tập lý luận phải xác định động cơ học tập lý luận cho đúng “không phải chỉ học thuộc lòng câu của Mác, Lênin để loè người ta”, không phải học lý luận để “tạo cho mình một cái vốn lý luận” để sau này đưa ra mặc cả với Đảng. Học lý luận là để cải tạo mình, cải tạo xã hội, cải tạo thế giới, giải quyết những vấn đề cách mạng cụ thể.
Giáo dục chuyên môn nghiệp vụ: Theo Bác Hồ: mỗi người phải biết một nghề, làm nghề gì phải thạo nghề ấy, học việc gì phải thạo việc ấy. Cán bộ quân sự, chính trị, kinh tế, văn hoá, tổ chức, tuyên truyền, công an…đều phải thành thạo lĩnh vực công tác của mình. Mặt khác, nếu là cán bộ cách mạng thì lãnh đạo ngành nào phải biết chuyên môn ngành ấy, có thế lãnh đạo mới sát. Nội dung huấn luyện chuyên môn rất rộng. Mục đích của huấn luyện chuyên môn là để cung cấp cán bộ giỏi chuyên môn, thạo việc cho các ngành khác nhau.
Huấn luyện văn hoá, ngoại ngữ: Trong quá trình hoạt động cách mạng, bôn ba khắp năm châu, Bác đã sớm ý thức được rằng: “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”, “sự ngu dốt là chỗ dựa chủ yếu của chủ nghĩa tư bản”, “dốt thì dại, dại thì hèn”. Bởi vậy, Bác đòi hỏi cán bộ, đảng viên, thanh niên, phụ nữ phải cố gắng học tập văn hoá, chính trị, nghiệp vụ. Kinh tế của ta ngày càng phát triển, hàng ngũ công nhân ngày càng thêm đông, muốn làm tròn nhiệm vụ của mình thì cán bộ phải luôn cố gắng học tập, cố gắng vươn lên để tiến bộ không ngừng. Bác căn dặn: Phải cố gắng học tập, luôn luôn học tập, học chủ nghĩa Mác Lênin, học văn hoá, học tiếng nước ngoài, học nghề nghiệp của mình, nếu không sẽ không theo kịp được nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội nước nhà. Nội dung huấn luyện là những kiến thức bình thường nhưng rất phong phú: lịch sử, địa dư, làm tính, khoa học tự nhiên, xã hội, chính trị, cách viết báo cáo, nghĩa vụ và quyền lợi của công dân. Trong Sắc lệnh số 188/SL năm 1948 và Sắc lệnh 76/SL năm 1950, Hồ Chí Minh đã ra những quy định quan trọng về xây dựng đội ngũ công chức Việt Nam, trong đó yêu cầu công chức phải biết ngoại ngữ. Kiến thức ngoại ngữ là cái thìa khoá giúp chúng ta tiếp cận với các nền văn minh khác trên thế giới.
Về tài liệu huấn luyện: Đây là vấn đề quan trọng, có ảnh hưởng quyết định tới chất lượng huấn luyện. Những tài liệu đó phải được xem xét, lựa chọn một cách kỹ càng; phải chú ý tới mức độ phù hợp của tài liệu với trình độ của đối tượng. Phải chú trọng những tài liệu về chủ nghĩa Mác-Lênin làm gốc; ngoài ra còn là các văn bản của Đảng, của Nhà nước, của các đoàn thể; phải đưa vào những tài liệu cần thiết khác: "Đó là những kinh nghiệm do những người đi học mang đến, kinh nghiệm thành công cũng như kinh nghiệm thất bại. Những kinh nghiệm đó đem trao đổi, gom góp lại tức là những bài học quý, không phải cứ chờ đồng chí cấp trên đến nói chuyện thì mới là bài, là học"(13) .
Về phương thức đào tạo, huấn luyện cán bộ: Theo Bác, có nhiều phương thức đào tạo cán bộ, có thể kết hợp đào tạo chính quy với đào tạo không chính quy, học tập trung với tự học. Bác chỉ rõ : "Có trường học thì càng tốt. Không có trường cũng phải tự mình tìm cách mà tự học, vừa làm vừa học". Học phải đi đôi với hành, “ cần phải nghiên cứu kinh nghiệm cũ để giúp cho thực hành mới, lại đem thực hành mới để phát triển kinh nghiệm cũ, làm cho nó đầy đủ, dồi dào thêm..." (14). Học lý luận phải liên hệ với thực tế. "Thống nhất giữa lý luận và thực tiễn là một nguyên tắc cơ bản của chủ nghĩa Mác-Lênin. "(15). Điều quan trọng trong giáo dục, học tập lý luận chủ nghĩa Mác-Lênin là không phải học trên câu chữ mà học tinh thần xử lý công việc. Theo Bác, học là công việc suốt đời. "Xã hội phát triển không ngừng, tiến bộ cũng phải không ngừng. Nếu hôm nay ngừng tiến bộ tức là ngày mai thoái bộ. Muốn tiến bộ mãi thì phải học tập. Học trong sách báo, học trong công tác, học với anh em, học hỏi quần chúng. Học tập để phát triển ưu điểm, sửa chữa khuyết điểm"(16).
Năm tháng đã trôi qua, Bác đã đi xa, nhưng những lời dạy trên của Bác không những có ý nghĩa lịch sử mà còn có giá trị thực tiễn sâu sắc, giúp chúng ta có được cái nhìn đầy đủ, toàn diện về việc dạy và học. Ngày nay, nhân loại đã bước sang thiên niên kỷ mới, sự nghiệp đổi mới đất nước do Đảng khởi sướng và lãnh đạo đã đem lại thành quả to lớn, chúng đang đứng trước bao thời cơ, song cũng không ít những thách thức, đặt ra những yêu cầu mới cho công tác cán bộ nói chung và đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ nói riêng. Tư tưởng Hồ Chí Minh luôn là kim chỉ Nam, soi đường, dẫn lối cho chúng ta đi. Việc nghiên cứu, vận dụng những chỉ dẫn trên của Bác là hết sức cần thiết, làm cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đem lại hiệu quả thiết thực, góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, xây dựng một đội ngũ cán bộ ngang tầm, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của sự nghiệp CNH, HĐH đất nước, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Đó cũng là điều Bác hằng mong muốn./.
Bắc Giang, ngày 20 tháng 3 năm 2016
              
 
Ghi chú: (1) Hồ Chí Minh toàn tập, NXB CTQG, tập 5, tr.269. (2) Sdd, tập 5, tr.684 (3) Sdd, tập 6, tr.48. (4) Sdd, tập 5, tr.52. (5) Sdd, tập 5, tr.417. (6) Sdd, tập 8, tr.496 (7) Sdd, tập 6, tr.50. (8). Sdd, tập 11, tr.439.(9). Sdd, tập 2 tr.259.(10). Sdd, tập 4, tr.233,234.(11). Sdd, tập 8, tr.292.(12). Sdd, tập 4, tr.272. (13). Sdd, tập 6, tr.49 (14). Sdd, tập 5, tr.417.(15) Sdd, tập 8, tr.496. (16). Sdd, tập 7, tr.83. 
Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://thanminhque.name.vn là vi phạm bản quyền

Tổng số điểm của bài viết là: 8 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 4 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Giới thiệu...

PGS. TS. Thân Minh Quế - Tỉnh ủy viên, Bí thư Đảng ủy Các Cơ quan tỉnh Bắc Giang.

Ca khúc: Người lái đò trên dòng đời
Thống kê
  • Đang truy cập82
  • Máy chủ tìm kiếm77
  • Khách viếng thăm5
  • Hôm nay21,600
  • Tháng hiện tại480,772
  • Tổng lượt truy cập15,639,667
ẢNH HOẠT ĐỘNG
Thăm dò ý kiến

Bạn biết đến Website này từ nguồn thông tin nào?

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây