HOẠT ĐỘNG THANH TRA GIÁO DỤC Ở TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH BẮC GIANG HIỆN NAY

Thứ ba - 17/01/2017 08:24
HOẠT ĐỘNG THANH TRA GIÁO DỤC
 Ở TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH BẮC GIANG HIỆN NAY
                                                                   TS. Thân Minh Quế
Tỉnh ủy viên, Bí thư Đảng ủy - Hiệu trưởng
Đào tạo, bồi dưỡng (ĐTBD) là một nội dung rất quan trọng trong công tác cán bộ. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc. Vì vậy, huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng” [1].
Theo Quyết định số 184 - QĐ/TW ngày 03/9/2008 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, trường chính trị cấp tỉnh là đơn vị sự nghiệp trực thuộc tỉnh uỷ, thành uỷ và ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố, đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp và thường xuyên của ban thường vụ tỉnh uỷ, thành uỷ. Trường có chức năng tổ chức ĐTBD cán bộ lãnh đạo, quản lý của hệ thống chính trị cấp cơ sở, cán bộ, công chức ở địa phương về lý luận chính trị - hành chính; đường lối, nghị quyết, chỉ thị của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước; kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ về công tác xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị – xã hội; kiến thức về pháp luật và quản lý nhà nước và một số lĩnh vực khác. Để thực hiện tốt chức năng đó các trường chính trị tỉnh, thành phố phải thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp, trong đó phải tăng cường quản lý ĐTBD. Trong các công tác quản lý ĐTBD thì hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát là tất yếu khách quan, có vai trò hết sức quan trọng.
Từ lý luận và thực tiễn cho ta thấy thanh tra, kiểm tra, giám sát là chức năng lãnh đạo, quản lý của Đảng, Nhà nước, của các tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan đơn vị sự nghiệp. Các tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể phải tiến hành kiểm tra, thanh tra, giám sát đồng thời cùng cán bộ, viên chức, đảng viên chịu sự thanh tra, kiểm tra, giám sát của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền. Ở các trường chính trị cấp tỉnh hoạt động này là nhằm đánh giá đúng hoạt động của các khoa, phòng, các giảng viên và học viên trong trường.
Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã thường xuyên quan tâm tới công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát. Tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác kiểm tra, thanh tra được hình thành từ rất sớm. Trong tác phẩm "Một việc mà các cơ quan lãnh đạo cần thực hành ngay" Người khẳng định:"Chính sách đúng là nguồn gốc của thắng lợi. Song từ nguồn gốc đi đến thắng lợi thực sự, còn phải tổ chức, phải đấu tranh. Khi đã có chính sách đúng, thì sự thành công hoặc thất bại của chính sách đó là do nơi cách tổ chức công việc, nơi lựa chọn cán bộ, và do nơi kiểm tra. Nếu ba điều ấy sơ sài thì chính sách đúng mấy cũng vô ích" [2]. Ngày 23-11-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh 64/SL, thành lập Ban Thanh tra đặc biệt. Người căn dặn “cán bộ thanh tra giúp trên hiểu biết tình hình địa phương và cấp dưới, đồng thời cũng giúp cho các cấp địa phương kịp thời sửa chữa, uốn nắn nếu làm sai, hoặc làm chậm. Cho nên trách nhiệm của công tác thanh tra là quan trọng”[3]. Người cho rằng công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, quản lý mà thiếu sự kiểm tra, thanh tra thì sẽ dẫn đến bệnh quan liêu, tham ô, lãng phí và chỉ có tăng cường kiểm tra, kiểm soát thì mới chống được các tệ nạn này. Người chỉ rõ: “muốn chống bệnh quan liêu, bệnh bàn giấy; muốn biết các nghị quyết có được thi hành không, thi hành có đúng không; muốn biết ai ra sức làm, ai làm cho qua chuyện, chỉ có một cách là khéo kiểm soát[4].
Chúng ta đều biết, sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước không phải chỉ là ban hành nghị quyết và ra chỉ thị, mà điều quan trọng, lãnh đạo còn là tổ chức thi hành và kiểm soát thực hiện. Sự chính xác của các quyết định của Đảng và Nhà nước phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có một yếu tố quan trọng là công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát. V.I Lênin cũng đã từng chỉ rõ: Khi mục đích, nhiệm vụ chính trị đã được xác định, quyết định đã được thông qua, thì nhiệm vụ tổ chức thực hiện phải đặt lên hàng đầu. Điều chủ yếu là chuyển trọng tâm từ việc soạn thảo các sắc lệnh và mệnh lệnh sang việc lựa chọn người và kiểm tra sự thực hiện. Đó là vấn đề then chốt nhất đối với Đảng tiên phong, nhất là trong điều kiện Đảng cầm quyền - Tìm người, kiểm tra công việc - tất cả là ở đó. Cần phải ưu tiên thời gian, trí tuệ thích đáng, vì nếu không làm như vậy thì “tất cả mọi mệnh lệnh và quyết định sẽ chỉ là mới giấy lộn”.
Khi bàn về giáo dục, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng đã đặt ra yêu cầu phải: “Đổi mới căn bản công tác quản lý giáo dục, đào tạo, bảo đảm dân chủ, thống nhất, tăng quyền tự chủ về trách nhiệm xã hội của các cơ sở giáo dục, đào tạo; coi trọng chất lượng”[5] và “Thực hiện giám sát của các chủ thể trong nhà trường và xã hội, tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra của các cơ quan quản lý các cấp, bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch”.[6]
Trường Chính trị tỉnh Bắc Giang hiện nay có 48/50 biên chế và 08/8 lao động hợp đồng theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP của Chính phủ. Trong đó có 35 giảng viên (gồm 01 giảng viên cao cấp; 08 giảng viên chính; 26 giảng viên). Về trình độ chuyên môn: Có 1 tiến sĩ, 23 thạc sĩ và 06 đồng chí đang học nghiên cứu sinh, cao học. Tỷ lệ giảng viên có trình độ trên đại học chiếm gần 90% đội ngũ giảng viên tham gia giảng dạy. Thực hiện chức năng nhiệm vụ được giao, những năm qua Trường đã đạt được nhiều thành tựu trong công tác ĐTBD cán bộ của tỉnh. Chỉ tính riêng năm 2016, Trường đã tổ chức quản lý, giảng dạy được 28 lớp đào tạo, với 2.683 học viên. Trong đó có 17 lớp đào tạo trình độ trung cấp lý luận chính trị - hành chính; phối hợp với các học viện, trường đại học duy trì quản lý 08 lớp, gồm: 03 lớp cao cấp lý luận chính trị hệ không tập trung (khoá X, XI, XII); 05 lớp đại học chuyên ngành, 01 lớp cao học kinh tế - chính trị; phối hợp với các cơ quan, sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh mở được 32 lớp bồi dưỡng các loại với 3850 lượt học viên. Cùng với việc thực hiện việc mở các lớp ĐTBD, trong năm Trường đã tổ chức thực hiện 6 đề tài nghiên cứu khoa học, gồm 01 đề tài cấp tỉnh và 05 đề tài cấp cơ sở, 4 cuộc hội thảo khoa học. Nói chung, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của Trường luôn cố gắng thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Công tác ĐTBD cán bộ cơ bản đảm bảo đúng tiến độ, kế hoạch đề ra, có sự đổi mới chuyển biến tích cực; số lượng các lớp ngày càng nhiều, loại hình đào tạo, bồi dưỡng ngày càng đa dạng, chất lượng giảng dạy từng bước được nâng lên. Việc triển khai thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn ngày càng đi vào chiều sâu, hiệu quả thiết thực, góp phần từng bước nâng cao chất lượng công tác ĐTBD của Trường.
Nhận thức rõ công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát có vai trò, vị trí hết sức quan trọng tới việc nâng cao chất lượng hiệu quả của công tác ĐTBD, do đó trong quá trình tổ chức thực hiện nhiệm vụ ĐTBD cán bộ, Trường Chính trị tỉnh Bắc Giang đã rất chú trọng tới công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát. Ủy ban Kiểm tra của Đảng ủy, Ban Thanh tra nhân dân, Ban Thanh tra giáo dục đào tạo của Trường luôn được quan tâm kiện toàn, củng cố, bảo đảm hoạt động có nền nếp, chất lượng, hiệu quả ngày càng được nâng lên (Hiện nay Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy có 5 ủy viên, Ban Thanh tra nhân dân có 5 thành viên, Ban Thanh tra giáo dục đào tạo có 6 thành viên do đồng chí Phó Bí thư Đảng ủy- Phó Hiệu trưởng làm Trưởng Ban). Các cơ quan này đều đã xây dựng quy chế hoạt động, phân công trách nhiệm cụ thể cho từng thành viên. 
Trong các đợt sinh hoạt đảng, sinh hoạt chuyên môn hằng tháng, Đảng ủy, Ban Giám hiệu nhà trường luôn chú trọng đến việc quán triệt, phổ biến cho cán bộ, giảng viên, học viên nhận thức rõ mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát. Coi đây là một giải pháp đột phá để nâng cao chất lượng quản lý giáo dục; hoạt động thanh tra không chỉ nhằm mục tiêu "vạch lá tìm sâu" phòng ngừa, phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước và các quy định, quy chế của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh mà còn nhằm phát huy những nhân tố tích cực trong công tác ĐTBD, chăm lo, bảo đảm quyền lợi chính đáng, hợp pháp của cán bộ, giảng viên, học viên; kịp thời giải quyết hoặc phối hợp với cơ quan, đơn vị mở lớp cùng giải quyết những kiến nghị, đề xuất, đơn thư, phúc tra, phúc khảo của giảng viên, học viên.  
Định kỳ hằng tháng, quý và cuối năm, Hiệu trưởng chỉ đạo Ban Thanh tra xây dựng báo cáo tổng kết công tác thanh tra giáo dục đào tạo, đồng thời xây dựng kế hoạch thanh tra, giám sát thời gian tiếp theo. Báo cáo kết quả thanh tra giáo dục đào tạo được thông báo rộng rãi, gửi tới các khoa, phòng, các tập thể, cá nhân có liên quan, các trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện và các cơ quan có liên quan. Ban Thanh tra của Trường đã có các kế hoạch chi tiết về công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát gắn với khảo thí với tất cả các lớp, các khoa, phòng, kết hợp hai hình thức thanh tra, kiểm tra, giám sát thường xuyên và đột xuất. Mỗi lớp, mỗi khoa, mỗi cán bộ làm nhiệm vụ quản lý đào tạo, chủ nhiệm lớp, giảng viên ít nhất được thanh tra, kiểm tra 1 lần/năm. 100% các buổi thi tốt nghiệp trung cấp lý luận chính tri- Hành chính đều được giám sát bằng 2 hình thức cử cán bộ giám sát tại phòng thi và theo dõi giám sát qua hệ thống camera. Trường còn lập tổ điểm danh gồm 6 đồng chí sử dụng nhiều biện pháp, trong đó có sử dụng thiết bị điện tử (máy điểm danh bằng vân tay) giúp Ban Thanh tra và Ban Giám hiệu điểm danh nắm chắc sĩ số học viên của từng lớp. Ban Thanh tra đã thực hiện tốt việc thanh tra, kiểm tra các văn bản, tài liệu, hồ sơ, sổ sách liên quan tới công tác quản lý đào tạo, bồi dưỡng như: Kế hoạch mở lớp, danh sách dự tuyển, trúng tuyền vào học, lý lịch học viên, giáo án của giảng viên, sổ ghi đầu bài ở các lớp, sổ điểm, phiếu điểm, bảng điểm, việc tổ chức thi, kiểm tra, chấm thi, coi thi, quản lý phách bài thi, cấp văn bằng, chứng chỉ, lưu trữ, quản lý hồ sơ các lớp và các lĩnh vực thu, chi tài chính, kinh phí với các lớp.
Để làm tốt công tác thanh tra, kiểm tra, Trường đã ban hành nhiều văn bản định hướng, chỉ đạo, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho Ban Thanh tra, cán bộ thanh tra hoạt động như: Tạo điều kiện bố trí phương tiện đi lại, thời gian, chế độ thù lao hoạt động, văn phòng phẩm và cử đi tập huấn phương pháp công tác cho cán bộ thanh tra. Mặt khác Trường đã phát huy công cụ hỗ trợ giúp cho cán bộ thanh tra, giám sát hoạt động, như trang bị hệ thống camera ở tất cả các lớp học và phòng chấm thi; máy điểm danh bằng vân tay...
Mặc dù Ban Thanh tra giáo dục của Trường chỉ là thanh tra nội bộ, không nằm trong hệ thống thanh tra của Nhà nước, nhưng trong những năm gần đây, Ban Thanh tra của Trường hoạt động rất tích cực và đúng hướng, bình quân mỗi tháng thanh tra, kiểm tra được 6 cuộc ở 6 lớp với các nội dung. Qua thanh tra, kiểm tra, giám sát đã phát hiện nhiều cán bộ, giảng viên, chủ nhiệm lớp, học viên, thực hiện chưa tốt quy định, quy chế về quản lý giáo dục, đào tạo. Riêng năm 2016 Ban Thanh tra giáo dục đào tạo của Trường đã tiến hành lập trên 100 biên bản vi phạm quy chế thi, vi phạm định thời gian lên lớp đối với cán bộ coi thi, giảng viên và học viên. Một số trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện như ở Sơn Động, Lục Ngạn đã sử dụng kết quả thanh tra làm cơ sở để kiến nghị với huyện ủy, UBND huyện quan tâm tới việc xây dựng cơ sở vật chất, phương tiện, điều kiện cho việc mở lớp đào tạo và quản lý cán bộ đi học. Các khoa, phòng đã căn cứ vào kết quả thanh tra, giám sát để yêu cầu giảng viên chỉnh sửa lại giáo án lên lớp, chấn chỉnh, rút kinh nghiệm về thời gian lên lớp, thái độ, hành vi ứng xử v.v...
Từ kết quả thanh tra, kiểm tra, giám sát trong năm, Hiệu trưởng nhà trường đã chỉ đạo các phòng chức năng xây dựng, sửa đổi một số quy định về duyệt điều kiện thi, chấm thi, coi thi và điều kiện phục vụ lớp học và sử dụng những kết quả thanh tra, kiểm tra, giám sát vào việc xét điều kiện thi các môn học, thi tốt nghiệp của học viên, yêu cầu học bù học lại, thi bù thi lại của học viên và bình xét thi đua khen thưởng các quý trong năm, cả năm.
Nói chung công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát ở Trường Chính trị tỉnh Bắc Giang những năm gần đây đạt kết quả tốt, góp phần tích cực nâng cao chất lượng ĐTBD của nhà trường. Nhiều cán bộ, giảng viên, học viên đã nhận thức đầy đủ, đúng đắn hơn về công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát nên tự giác thực hiện. Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm tích cực nêu trên thì vẫn còn bộc lộ một số mặt hạn chế, bất cập, cụ thể là: Hoạt động của Ban Thanh tra có lúc còn buông lỏng, phương pháp thanh tra, kiểm tra có khi chưa phù hợp, gây tâm lý căng thẳng cho giảng viên và học viên. Một số cán bộ thanh tra còn bị động lúng túng trong khi tiến hành thanh tra, nhất là trong việc kết luận, đề xuất xử lý trước những biểu hiện vi phạm. Việc ra kết luận nhiều cuộc thanh tra còn chậm, kết luận còn chung chung chưa chỉ ra được những mặt ưu điểm và hạn chế thiếu sót. Số cuộc thanh tra, kiểm tra đột xuất còn ít. Có cuộc thanh tra, kiểm tra đột xuất bị lộ thông tin. Một số cuộc thanh tra, kiểm tra, giám sát còn mang tính hình thức, hiệu quả chưa cao, chưa đạt được mục đích, ý nghĩa đề ra.
Nguyên nhân có được những mặt tích cực trong hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát trước hết có sự chỉ đạo, hướng dẫn của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh và sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Đảng ủy, Ban Giám hiệu nhà trường và sự chấp hành nghiêm túc của cán bộ, giảng viên, học viên nhà trường, trong đó có sự nỗ lực của các thành viên Ban Thanh tra. Những mặt yếu kém trong công tác thanh tra, kiểm tra là do nhiều nguyên nhân, trong đó chủ yếu do năng lực, trình độ, kinh nghiệm của Ban Thanh tra còn hạn chế. Nhiều vấn đề mới phát sinh, diễn biến mới chưa có văn bản, quy định hướng dẫn cụ thể. Mặt khác do nhiệm vụ ĐTBD của Trường ngày càng nặng nề, số lượng lớp nhiều, loại hình đa dạng, trong khi đội ngũ cán bộ, giảng viên có hạn, nên có phần ảnh hướng tới công tác thanh tra, kiểm tra.
Phát huy những kết quả đã đạt được và khắc phục những mặt hạn chế hiện nay, năm 2017 và những năm tiếp theo, Đảng ủy và Ban Giám hiệu nhà trường đã xác định tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:
Một là: Tiếp tục quán triệt, xác định rõ ý nghĩa, mục đích, vai trò, chức năng của công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát tới toàn thể cán bộ, giảng viên, học viên trong trường; tạo sự nhất trí, đồng thuận cao trong nhận thức và hành động. Khắc phục những bất đồng về nhận thức, e ngại nể nang, né tránh trong hoạt động thanh tra. Đề cao ý thức “tự thanh tra, tự kiểm tra”. Coi việc thanh tra, kiểm tra, giám sát là hoạt động thường xuyên của người đi thanh tra và người được thanh tra, kiểm tra.
Hai là: Trên cơ sở Quy chế về công tác thanh tra giáo dục, ban hành kèm theo Quyết định số 1855/QĐ - HVCTQG, ngày 21/4/2016 của Giám đốc Học viện Chính trị Quốc Gia Hồ Chí Minh và các các văn bản, quy định, hướng dẫn có liên quan để xây dựng, hoàn chỉnh, bổ sung các văn bản quản lý đào tạo của Trường bảo đảm phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương, trong đó có các quy định về công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát.
Ba là: Kiện toàn, củng cố Ban Thanh tra giáo dục, đào tạo, chọn cử những cán bộ có uy tín, năng lực, có điều kiện, kinh nghiệm tham gia Ban Thanh tra, tham gia các tổ thanh tra, kiểm tra, giám sát. Chỉ đạo Ban Thanh tra chủ động xây dựng kế hoạch phối hợp giữa công tác thanh tra giáo dục đào tạo với công tác kiểm tra, giám sát của Đảng ủy, của các chi bộ và đoàn thể trong trường và gắn với hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân.
Bốn là: Tiếp tục tạo điều kiện, phương tiện, thời gian, kinh phí cho hoạt động thanh tra, đồng thời có kế hoạch bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ, phương pháp công tác cho cán bộ được cử làm công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát để họ yên tâm công tác, không ngại va chạm; kịp thời thay thế những cán bộ không đủ năng lực, điều kiện tham gia các tổ thanh tra, kiểm tra, giám sát.
Năm là: Tiếp tục chỉ đạo các khoa, phòng trong Trường phối hợp thực hiện những kết luận, kiến nghị của Ban thanh tra. Coi những thông tin, kết luận về công tác thanh tra là một những tiêu chuẩn đánh giá cán bộ, giảng viên, học viên; tiêu chuẩn trong bình xét thi đua, khen thưởng, đánh giá kết quả giảng dạy và học tập.
Để thực hiện tốt hơn công tác thanh tra giáo dục ở các trường chính trị cấp tỉnh, đề nghị Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh thường xuyên chỉ đạo, hướng dẫn về công tác thanh tra khảo thí; có những văn bản, quy định cụ thể chi tiết hơn về mặt hoạt động này. Quy chế hoạt động thanh tra giáo dục của trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, ban hành kèm theo Quyết định số 1855/QĐ - HVCTQG, ngày 21/4/2016 cũng còn một số điểm bất cập cần hướng dẫn cụ thể hơn để thực hiện thống nhất, như mẫu văn bản, biên bản, số lượng thành viên, mẫu báo cáo, việc xử lý vi phạm, kinh phí, chế độ thù lao với cán bộ thanh tra...
 
[1] Hồ Chí Minh toàn tập, NXB CTQG H.200,2 tập 5, tr.269.
[2] Hồ Chí Minh  toàn tập, tập 5, NXB CTQG, H, 2002, Tr 520
[3]  Một số văn kiện chủ yếu của Đảng và Chính phủ về công tác thanh tra, Ủy ban thanh tra của Chính phủ, 1997
[4] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 5, NXB CTQG, H, 2002, tr 297.
[5] Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng TW Đảng 2016, trang 116; .
[6]  Văn kiện Đại hội đai biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng TW Đảng 2016, trang 117.

Nguồn tin: Bài đăng Nội san Trường Chính trị tỉnh Bắc Giang số 1/2017

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Giới thiệu...

PGS. TS. Thân Minh Quế - Tỉnh ủy viên, Bí thư Đảng ủy Các Cơ quan tỉnh Bắc Giang.

Ca khúc: Người lái đò trên dòng đời
Thống kê
  • Đang truy cập102
  • Máy chủ tìm kiếm94
  • Khách viếng thăm8
  • Hôm nay26,779
  • Tháng hiện tại148,883
  • Tổng lượt truy cập18,160,313
ẢNH HOẠT ĐỘNG
Thăm dò ý kiến

Bạn biết đến Website này từ nguồn thông tin nào?

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây