ĐỂ ĐÁNH GIÁ ĐÚNG CÁN BỘ, CÔNG CHỨC

Chủ nhật - 05/06/2016 09:31
ĐỂ ĐÁNH GIÁ ĐÚNG CÁN BỘ, CÔNG CHỨC
                            
                           TS. Thân Minh Quế

                                
Đánh giá cán bộ là khâu đầu tiên, làm cơ sở, tiền đề để thực hiện các khâu khác trong công tác cán bộ. Có đánh giá đúng mới biết ai là cán bộ tốt, ai là cán bộ kém, ai là người có tài, ai bất tài, từ đó mới có thể quy hoạch, bố trí, sử dụng đúng cán bộ, hạn chế được những thiếu sót, sai lầm trong việc tuyển chọn, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ. Đánh giá đúng cán bộ sẽ kích thích được mặt tích cực và hạn chế mặt tiêu cực của mỗi người cán bộ. Tuy nhiên làm thế nào để đánh giá đúng cán bộ? lại là câu hỏi khó tìm lời giải đáp. Trong bài viết tôi xin đề cập đến một số vấn đề về đánh giá cán bộ, công chức qua thực tế ở tỉnh Bắc Giang.
Những năm qua, nhất là từ khi có Quyết định Số 286-QĐ/TW, ngày 08/02/2010 của Bộ Chính trị, Nghị định số 56/2015/NĐ-CP ngày 15/3/2010 của Chính phủ và các văn bản hướng dẫn của Trung ương về đánh giá phân loại cán bộ, công chức; được sự quan tâm chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, đến nay các cấp uỷ, tổ chức đảng và người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trong tỉnh Bắc Giang đều nhận thức được công tác đánh giá cán bộ, công chức có vai trò rất quan trọng, có tính chất quyết định trong công tác cán bộ. Thông qua đánh giá cán bộ đã chỉ ra ưu, khuyết điểm của cán bộ để cấp có thẩm quyền quản lý cán bộ có căn cứ để quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng cán bộ. Nhìn chung các cấp uỷ, tổ chức đảng, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trong tỉnh đã nắm vững hơn về thẩm quyền, trách nhiệm trong việc đánh giá cán bộ, duy trì thường xuyên, có nền nếp việc đánh giá cán bộ trong cấp uỷ định kỳ hằng năm, theo nhiệm kỳ và đánh giá trước khi giới thiệu ứng cử, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, luân chuyển, khen thưởng, kỷ luật cán bộ, công chức; đã chú trọng lấy các tiêu chuẩn cụ thể về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống chất lượng, hiệu quả công việc được giao của từng cán bộ, làm căn cứ chủ yếu để đánh giá. Quy trình đánh giá cán bộ, công chức đã thực hiện một cách chặt chẽ, dân chủ, khách quan hơn nhiều, có kết hợp đánh giá cán bộ, công chức với phân tích chất lượng đảng viên, kiểm điểm tự phê bình và phê bình theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4, khóa XI “Một số vấn đề cấp bách về công tác xây dựng Đảng hiện nay”, góp phần quan trọng để đổi mới nâng cao chất lượng công tác cán bộ của tỉnh. Qua theo dõi, kiểm tra, cho thấy nhiều cơ quan, đơn vị đã xây dựng kế hoạch, hướng dẫn và đôn đốc các cơ quan, đơn vị trực thuộc thực hiện tốt công tác đánh giá cán bộ hàng năm, sau khi cá nhân từng cán bộ, công chức, viên chức tự đánh giá, tập thể cán bộ công nhân viên chức tham gia đóng góp và bình xét xếp loại. Thủ trưởng cơ quan, đơn vị xem xét quyết định xếp loại từng cá nhân, khen thưởng những cá nhân xuất sắc, có lưu bản nhận xét đánh giá vào hồ sơ cán bộ để theo dõi, quản lý.
Điểm mới trong công tác đánh giá cán bộ, công chức của tỉnh Bắc Giang hiện nay đó là Ban thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành tiêu chuẩn nghiệp vụ cụ thể từng chức danh cán bộ và chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc và các UBND cấp huyện xây dựng tiêu chí cụ thể để đánh giá xếp loại người đứng đầu gắn với việc thực hiện Quy định số 165-QĐ/TW, ngày18/2/2013 của Bộ Chính trị về việc lấy phiếu tín nhiệm hằng năm đối với thành viên lãnh đạo cấp ủy và cán bộ lãnh đạo trong các cơ quan đảng, nhà nước, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội và lấy phiếu tín nhiệm các chức danh do HĐND bầu, các thành viên UBND theo Nghị quyết số 85/2014/QH của Quốc hội khóa XIII, do đó góp phần khắc phục được tình trạng nể nang trong đánh giá cán bộ, công chức. Vệc phân loại cán bộ lãnh đạo, quản lý được tính riêng đối với cán bộ công chức, viên chức không giữ có chức vụ và quy định tỷ lệ cán bộ lãnh đạo, quản lý hoàn thành xuất sắc chức trách, nhiệm vụ không quá 25% tổng số thành viên lãnh đạo của đơn vị đã dần khắc phục được bệnh thành tích và khắc phục được tình trạng cán bộ hoàn thành xuất sắc chức trách nhiệm vụ chủ yếu tập trung vào lãnh đạo như trước đây.
Tuy nhiên, nhìn chung việc nhận xét, đánh giá cán bộ còn bộc lộ nhiều khuyết điểm, một số cơ quan, đơn vị trong tỉnh thực hiện chưa nghiêm túc Quy định của Bộ Chính trị và Nghị định của Chính phủ về đánh giá, phân loại cán bộ, công chức đã làm cho chất lượng, hiệu quả đánh giá cán bộ, công chức còn hạn chế; nhận xét, đánh giá còn chung chung, hình thức, chưa thật sự dân chủ, khách quan, còn biểu hiện nể nang, né tránh, chưa chỉ rõ đúng thực chất những nhược điểm của từng cán bộ. Bản thân mỗi cán bộ, công chức chưa thực sự tự giác kiểm điểm tự phê bình và phê bình, trong khi đó lãnh đạo cơ quan, đơn vị, cấp uỷ chưa đề ra được những tiêu thức cụ thể để đánh giá cán bộ sát thực. Phần lớn các cơ quan, đơn vị chỉ chú trọng đánh giá cán bộ trước khi đề bạt, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, giới thiệu ứng cử, chưa quan tâm nhiều đến việc đánh giá cán bộ định kỳ 6 tháng, một năm, chưa kết hợp chặt chẽ giữa đánh giá cán bộ ở nơi công tác và nơi cư trú. Đúng như Nghị quyết Trung ương 6 (khoá IX) đã nêu: Đánh giá cán bộ vẫn là một khâu yếu, chậm được khắc phục.
Vừa qua, theo dõi trên các phương tiện thông tin đại chúng thấy Đảng và Nhà nước ta xét xử công khai một loạt các vụ án hình sự nghiêm trọng, trong đó có không ít đảng viên, cán bộ lãnh đạo quản lý các cấp vì đã phạm tội tham nhũng, cố ý làm trái nguyên tắc, chính sách, Pháp luật, thiếu trách nhiệm, gây hậu quả nghiêm trọng. Tỉnh Bắc Giang hiện có 77 354 đảng viên, chỉ tính riêng 3 năm gần đây (từ đầu năm 2013 đến hết năm 2015) cấp ủy, UBKT các cấp và các chi bộ trong toàn Đảng bộ tỉnh đã tiến hành kiểm tra 10284 đảng viên, kết luận 3207 đảng viên có vi phạm, trong đó 1198 đảng viên vi phạm đến mức phải xử lý kỷ luật, đã xử lý kỷ luật 1130 đảng viên (Khiển trách 659; cảnh cáo 324; cách chức 23; khai trừ 124) (1). Từ đây chúng ta có thể rút ra bài học đau xót về công tác cán bộ nói chung và đánh giá cán bộ nói riêng. Do đánh giá cán bộ không đúng, không chuẩn xác, nên chúng ta đã kết nạp vào Đảng, bố trí những người đó vào những cương vị quan trọng, giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý, để khi có chức có quyền trong tay họ có điều kiện vun vén lợi ích cá nhân, làm giầu bất chính, gây tác hại lớn cho Đảng, cho xã hội, làm giảm lòng tin của quần chúng nhân dân với Đảng.
Đương nhiên, cũng phải thừa nhận rằng để đánh giá đúng cán bộ không phải là việc giản đơn, dễ dàng. Bởi lẽ đánh giá cán bộ là là đánh giá một con người, mà con người - như C.Mác đã viết: “Trong tính hiện thực của nó, bản chất con người là tổng hoà của các mối quan hệ xã hội”(2). Con người là sự thống nhất giữa yếu tố sinh vật và yếu tố xã hội. Người cán bộ chịu sự tác động của hoàn cảnh lịch sử, môi trường và rất nhiều mối quan hệ xã hội. Con người luôn luôn vận động và phát triển cả về thể chất và tư duy, không theo một con đường thẵng tắp mà quanh co, phức tạp, đi từ chưa hoàn thiện đến hoàn thiện.
Từ thực tế trên cho thấy để đánh giá đúng cán bộ, công chức, chúng ta cần quan tâm đến một số giải pháp sau:
Trước tiên cần nhận thức đầy đủ về vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng của mặt công tác này, khắc phục quan niệm, cách làm hình thức, hời hợt, cảm tính, chung chung, chỉ nêu ưu điểm, kể nể thành tích, tránh né nêu khuyết điểm hoặc nếu có, thì cũng nêu những khuyết điểm nhỏ nhặt không đáng nói, như: Cá tính nóng nảy, chưa tích cực đi cơ sở để nắm bắt tình hình thực tiễn v.v.
Trong tác phẩm Sửa đổi lối làm việc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Phải biết rõ cán bộKinh nghiệm cho ta biết: Mỗi lần xem xét lại nhân tài, một mặt thì tìm thấy những nhân tài mới, một mặt khác thì những người hủ hoá cũng lòi ra”(3). Chỉ có đánh giá đúng cán bộ, công chức thì mới lựa chọn được nhiều người hiền tài, bố trí, sử dụng đúng người, đúng việc, lựa chọn được những đồng chí xứng đáng có đủ đức, đủ tài để bầu vào cấp ủy, hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân, bố trí giữ các chức vụ lãnh đạo, quản lý, không để những phần tử xấu, cơ hội, thoái hoá biến chất có điều kiện “luồn sâu, leo cao”. Đánh giá không đúng cán bộ có thể làm hỏng cả quy hoạch cán bộ, mặc dù đã được làm rất công phu, hoặc làm cho công tác luân chuyển không đạt được mục tiêu, gây lãng phí cho đào tạo, bồi dưỡng, từng bước làm cho hiệu quả hoạt động của bộ máy kém đi, tích luỹ những nhân tố gây mất ổn định.
Hai là, phải nắm vững căn cứ, tiêu chuẩn đánh giá: Vấn đề này Quy định của Bộ Chính trị và Hướng dẫn của Ban Tổ chức Trung ương đã có nêu. Song phải có sự nghiên cứu để cụ thể hoá cho phù hợp với điều kiện của từng cơ quan, đơn vị trong từng thời gian. Thực tế vừa qua một số nơi có sự vận dụng sáng tạo trong việc làm rõ các tiêu chí đánh giá. Chẳng hạn có nơi nhấn mạnh cán bộ phải gần dân, sát dân, lời nói đi đôi với việc làm, nói ít làm nhiều, không hứa suông; có nơi lấy sự tăng trưởng kinh tế, tăng thu ngân sách, xoá đói giảm nghèo, không mất đoàn kết nội bộ, không có kiếu kiện vượt cấp... làm căn cứ đánh giá. Nhưng điều cần thiếu là phải có những tiêu chuẩn, tiêu chí cụ thể mang tính định lượng (chấm theo thang điểm) để làm căn cứ đánh giá hằng năm, ngay từ đầu năm phải yêu cầu cán bộ, công chức đăng ký các nội dung nhiệm vụ chính sẽ thực hiện, dựa vào đó để đánh giá kết quả cuối năm, tránh xu hướng tuỳ tiện, bất nhất tuỳ thuộc vào ý chí chủ quan của cá nhân người đứng đầu cơ quan, đơn vị. Có nơi khi thay đổi thủ trưởng thì việc đánh giá, quy hoạch, lựa chọn cán bộ xoay chuyển khác hẵn, thậm chí bị đảo ngược lại, chính là do chưa tuân theo một tiêu chuẩn, quan niệm thống nhất. Trong giai đoạn hiện nay cần nhấn mạnh tới sự kiên định lập trường tư tưởng, chính trị trước những diễn biến phức tạp của thế giới và những nhiệm vụ khó khăn ở địa phương, chú ý đặc biệt đến đạo đức, lối sống, tinh thần đấu tranh với những hiện tượng tiêu cực tham nhũng, lãng phí, mất đoàn kết, mất dân chủ, sự nêu gương, sự quan tâm đến lợi ích của quần chúng, ý thức tổ chức kỷ luật và tinh thần trách nhiệm; năng lực, trình độ, thể hiện thông qua kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao, sự sáng tạo trong công tác, dám nghĩ, dám làm, sự đoàn kết nội bộ, sự tín nhiệm trong quần chúng…Đó là những mực thước để đánh giá đức và tài của từng cán bộ.  
Ba là: Phải thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể thảo luận, quyết định theo đa số, trên cơ sở tự phê bình và phê bình. Chủ thể đánh giá cán bộ là cấp uỷ, tập thể lãnh đạo, cá nhân người đánh giá phải thực sự trung thực, công tâm, khách quan, không định kiến hẹp hòi. Vì đánh giá cán bộ là sự phản ánh người cán bộ thông qua lăng kính của người đánh giá, nếu người đánh giá mắc phải những sai lầm như: Chủ nghĩa cá nhân, tiêu cực, vụ lợi, cơ hội, thực dụng bè cánh, địa phương… thì chắc chắn khi đánh giá sẽ xuyên tạc, làm méo mó sự việc, dẫn đến đánh giá cán bộ không chuẩn xác, như người ta thường nói “yêu nên tốt, ghét nên xấu”, vì thế người cán bộ lãnh đạo, người làm công tác tổ chức cán bộ phải có trí tuệ minh mẫn, biết phát huy trí tuệ của tập thể, kết hợp với cái tâm trong sáng, vì lợi ích chung. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, biết người cố nhiên là việc khó, tự biết mình cũng không phải là dễ. Nếu không biết phải, tráí ở mình thì chắc không thể nhận rõ người khác tốt hay xấu, nếu “tự cao tự đại; ưa người ta nịnh mình; do lòng yêu ghét của mình mà đối với người; đem một cái khuôn khổ nhất định, chật hẹp mà lắp vào tất cả mọi người khác nhau. Đã phạm một trong bốn bệnh đó thì như mắt đã mang kính có mầu, không bao giờ thấu rõ cái mặt thật của những cái mình trông” (4).
Bốn là: Phải có phương pháp khoa học, tư duy biện chứng duy vật, phải quán triệt quan điểm khách quan, toàn diện và lịch sử cụ thể, tính công khai trong đánh giá cán bộ. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh cách xem xét cán bộ quyết không nên nhất thành bất biến: “Trong thế giới cái gì cũng biến hoá, tư tưởng con người cũng biến hoá. Vì vậy cách xem xét cán bộ quyết không nên nhất nhất, vì nó cũng phải biến hoá. Thí dụ: Có người trước theo cách mạng mà nay lại phản cách mạng, có người trước không theo cách mạng mà nay lại theo cách mạng. Một người cán bộ trước có sai lầm không phải vì thế mà sai lầm mãi. Cũng có cán bộ, đến nay chưa bị sai lầm nhưng chắc gì sau này không phạm sai lầm? Quá khứ, hiện tại và tương lai của mọi người không phải luôn giống nhau”(5). Đánh giá cán bộ phải xuất phát từ yêu cầu nhiệm vụ, tiêu chuẩn cán bộ, phải lấy ý kiến của quần chúng, coi đó là cơ sở khách quan để đánh giá, phải cân nhắc đến các điều kiện khách quan, chủ quan, hoàn cảnh gia đình, xã hội của cán bộ, loại trừ những yếu tố ảnh hưởng, nắm thông tin nhiều chiều, xét từ quá khứ, hiện tại và tương lai của cán bộ, phải nắm lấy những mặt cơ bản, chủ yếu tương đối ổn định, biết loại bỏ những ngẫu nhiên bề ngoài nhất thời, xử lý tốt mối quan hệ giữa cái chung và cái riêng, hiện tượng và bản chất, khả năng và hiện thực để đánh giá đúng phẩm chất, năng lực, triển vọng của cán bộ, phải phân loại được cán bộ theo tiêu thức nhất định. Đặc biệt chú ý đánh giá cán bộ ở những thời điểm bước ngọăt của cách mạng, những nhiệm vụ đột xuất khó khăn, tình huống phức tạp. Phải nghiên cứu kỹ hồ sơ của từng cán bộ, phải theo dõi cả quá trình công tác, đánh giá cán bộ theo kết quả hoàn thành từng nhiệm vụ được giao, phải quản lý chặt chẽ cán bộ cả ở nơi công tác và nơi cư trú để đánh giá cán bộ một các toàn diện và chính xác.
Năm là: Sau khi đánh giá đúng cán bộ thì cấp uỷ, thủ trưởng cơ quan có thẩm quyền phải có chính sách khen thưởng, kỷ luật bố trí cán bộ cho thoả đáng, những ai được đánh giá là có phẩm chất tốt, nhiều thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ thì phải được khen thưởng, được xem xét giới thiệu vào cấp ủy, bổ nhiệm chức vụ cao hơn, được nâng bậc lương sớm… để động viên khuyến kích. Trái lại người mắc nhiều khuyết điểm, phải kiểm tra làm rõ và xử lý kỷ luật nghiêm minh, có thể miễn nhiệm chức vụ không chờ đến hết nhiệm kỳ hoặc hết thời hạn bổ nhiệm. Nhớ câu Bác Hồ căn dặn: “Chúng ta phải nhớ rằng: Người đời ai cũng có chỗ hay chỗ dở. Ta phải dùng chỗ hay của người và giúp người chữa chỗ dở. Dùng người cũng như dụng gỗ. Người thợ khéo thì gỗ to, nhỏ, thẳng cong đều tuỳ chỗ mà dùng được”... Người khẳng định: "Cất nhắc cán bộ, phải vì công tác, tài năng, vì cổ động cho đồng chí khác thêm hăng hái. Như thế, công việc nhất định chạy. Nếu vì lòng yêu ghét, vì thân thích, vì nể nang, nhất định không ai phục, mà gây nên mối lôi thôi trong Đảng. Như thế là có tội với Đảng, có tội với đồng bào"(6).
Nói tóm lại: Đánh giá cán bộ là một khâu rất quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến các khâu khác trong công tác cán bộ, vì thế phải làm thật tốt. Đặc biệt là trong thời gian này, các địa phương, đơn vị đang tiến hành các quy trình lựa chọn giới thiệu nhân sự để bầu cử vào Quốc hội, HĐND, UBND các cấp nhất là các chức danh lãnh đạo chủ chốt. Do đó phải hết sức lưu tâm đến công tác đánh giá cán bộ. Song đây là một vấn đề nhạy cảm, rất khó khăn, phức tạp, đòi hỏi các cấp uỷ đảng, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có nền nếp, phải quán triệt để mọi cán bộ, đảng viên và nhân dân hiểu từ mục đích yêu cầu, nội dung đánh giá, phương châm, nguyên tắc, quy trình đánh giá để đạt được hiệu quả cao, góp phần nâng cao thực hiện thành công các nhiệm vụ chính trị, kinh tế xã hội của mỗi địa phương đơn vị trong giai đoạn mới./.
 
   Bắc Giang, ngày 12/4/2016
         
 
 
 
 


Ghi chú: (1)Báo cáo số 31- BC/TU ngày 24/3/2016 của Tỉnh ủy Bắc Giang; (2): C. Mác- Ph. Ăngghen Tuyển tập, T1, NXB sự thật, Hà Nội 1980. tr 257; (3),(4),(5),(6): Hồ Chí Minh Toàn tập, tập 5, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội 1995, Tr 274, tr 277, tr 278, tr279, tr281

Tác giả bài viết: TS.Thân Minh Quế

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://thanminhque.name.vn là vi phạm bản quyền

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Giới thiệu...

PGS. TS. Thân Minh Quế - Tỉnh ủy viên, Bí thư Đảng ủy Các Cơ quan tỉnh Bắc Giang.

Ca khúc: Người lái đò trên dòng đời
Thống kê
  • Đang truy cập100
  • Máy chủ tìm kiếm93
  • Khách viếng thăm7
  • Hôm nay15,619
  • Tháng hiện tại510,134
  • Tổng lượt truy cập15,669,029
ẢNH HOẠT ĐỘNG
Thăm dò ý kiến

Bạn biết đến Website này từ nguồn thông tin nào?

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây