BỒI DƯỠNG THẾ HỆ TRẺ THEO TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH

Chủ nhật - 05/06/2016 09:22
BỒI DƯỠNG THẾ HỆ TRẺ theo Tư tưởng Hồ Chí Minh -TS Thân Minh Quế


BỒI DƯỠNG THẾ HỆ TRẺ THEO TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH
TS. Thân Minh Quế 

              

Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đã sớm nhìn nhận ra và đánh giá rất cao vai trò của thế hệ trẻ đối với sự nghiệp cách mạng của dân tộc Việt Nam. Trước lúc đi xa, trong Di chúc lịch sử, với những tình cảm vô vàn thương yêu và trách nhiệm cao cả, Người không quên dặn lại: “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là việc làm hết sức quan trọng và rất cần thiết”. Chăm lo bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một trong những nội dung quan trọng của tư tưởng Hồ Chí Minh.

Là người tham gia lãnh đạo Đại hội quốc tế thanh niên cộng sản (1924), đồng thời là người sáng lập Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên (1925) và trong suốt thời gian sau này, Bác rất chú ý đến thế hệ trẻ. Trong Thư gửi thanh niên và nhi đồng toàn quốc nhân dịp Tết Nguyên đán năm 1946, Người viết; “Một năm khởi đầu từ mùa xuân. Một đời khởi đầu từ tuổi trẻ. Tuổi trẻ là mùa xuân của xã hội”. Người khẳng định, thế hệ trẻ là lực lượng đóng vai trò quyết định sự thành bại của cách mạng. Thế hệ trẻ nếu không vươn lên tỏ rõ là lực lượng xung kích, lực lượng đi đầu thì sự nghiệp của cách mạng và “số phận” của dân tộc khó tránh khỏi tổn thất. Năm 1925, trong bài Gửi thanh niên An Nam, người kêu gọi: “Hỡi Đông Dương đáng thương hại! Người sẽ chết mất, nếu đám thế hệ trẻ già cỗi của Người không sớm hồi sinh”. Trong thực tiễn cách mạng, Người luôn hy vọng vào thế hệ trẻ và khả năng học tập, phấn đấu của họ. Người đã đặt cả niềm tin của mình vào thế hệ trẻ, Người viết: “Non sông Việt Nam có thể trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước trên đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn công học tập của các em”. Trong cuộc đấu tranh giành chính quyền, cũng như trong cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp, Bác khẳng định: “Thanh niên là bộ phận quan trọng của dân tộc”. Sau khi cách mạng tháng Tám thành công, Người chỉ rõ: “Thanh niên là chủ tương lai của nước nhà. Thật vậy, nước nhà thịnh hay suy, yếu hay mạnh, một phần lớn là do các thanh niên”. Với Người, thế hệ trẻ là lực lượng xung kích “Đâu Đảng cần thanh niên có, việc gì khó có thanh niên”, hơn thế nữa Người còn xem thế hệ trẻ là đội hậu bị tin cậy của Đảng: “Tôi luôn nói đến thế hệ trẻ, vì trong mọi công việc, thế hệ trẻ ta luôn luôn hăng hái xung phong và họ xứng đáng là cánh tay đắc lực của Đảng”. Bác cho rằng, thế hệ trẻ luôn biểu hiện tinh thần tự tôn dân tộc, lực lượng có thể kế thừa và tiếp bước xứng đáng truyền thống vẻ vang của cha anh đi trước. Vào những ngày đầu của cuộc kháng chiến ác liệt chống thực dân Pháp, trong Thư Bác gửi cho các chiến sĩ cảm tử quân Thủ đô, Bác đã tỏ rõ niềm tin vào thế hệ trẻ, kế thừa xứng đáng truyền thống cha anh: “Các em cảm tử cho tổ quốc quyết sinh. Các em là đại biểu cái tinh thần tự tôn, tự lập của dân tộc ta mấy nghìn năm để lại, cái tinh thần quật cường đó đã kinh qua Hai Bà Trưng, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung, Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám, truyền lại cho các em. Nay các em gan góc tiếp tục cái tinh thần bất diệt đó, để truyền lại cho nòi giống Việt Nam muôn đời về sau”.

Trên cơ sở khẳng định vị trí, vai trò thế hệ trẻ đối với cách mạng và đối với tương lai của dân tộc, thể hiện niềm tin trọn vẹn vào thế hệ trẻ, Bác đã đặt ra yêu cầu cho Đảng phải có kế hoạch chăm lo đào tạo bồi dưỡng toàn diện cho thế hệ trẻ, để họ trở thành những người thừa kế xây dựng CNXH vừa “hồng” vừa “chuyên”. Theo Người, đó là việc làm cần kíp, trước tiên. Ngay sau khi giành được chính quyền, trước yêu cầu phải kiến thiết nước nhà, trong điều kiện đất nước hơn 90% người dân mù chữ,  Bác đã chỉ ra: “Nay chúng ta đã giành được quyền độc lập. Một trong những công việc phải thực hiện cấp tốc trong lúc này là nâng cao dân trí” . Bởi, “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”. Bước vào thời kỳ xây dựng, kiến tạo đất nước, Người đòi hỏi: “Bây giờ xây dựng kinh tế. Không có giáo dục, không có cán bộ thì cũng không nói gì đến kinh tế văn hoá”. Ngay khi đất nước còn đang tiến hành cuộc kháng chiến thần thánh chống thực dân, đế quốc, Người vẫn luôn khẳng định công tác đào tạo, giáo dục là công việc quan trọng: “Chúng ta cần phải có một nền giáo dục kháng chiến và kiến quốc”,  “Chúng ta phải đào tạo cán bộ mới và giúp đỡ cán bộ cũ theo tôn chỉ kháng chiến và kiến quốc”. Khi đất nước phải đồng thời  thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược: Miền Bắc xây dựng CNXH, miền Nam đấu tranh thống nhất nước nhà, Bác đã yêu cầu: “Văn hoá giáo dục phải phát triển mạnh để phục vụ yêu cầu của cách mạng. Văn hoá giáo dục là một mặt trận quan trọng trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà”.Vậy là, trong hoàn cảnh nào, kháng chiến hay kiến quốc, đất nước cũng cần nhân tài, do đó giáo dục, đào tạo cần được phát triển và nhất là để chăm lo đào tạo, bồi dưỡng thế hệ trẻ cách mạng.

Theo Bác thì phải giáo dục, đào tạo và bồi dưỡng thế hệ trẻ một cách toàn diện. Trong Thư gửi các cán bộ giáo dục, học sinh, sinh viên các trường và các lớp bổ túc văn hoá, ngày 31.8.1960, Bác đã căn dặn: “Trong việc giáo dục và học tập, phải chú trọng đủ các mặt: Đạo đức cách mạng, giác ngộ xã hội chủ nghĩa, văn hoá, kỹ thuật, lao động và sản xuất” .

Về giáo dục đạo đức cách mạng, Bác quan niệm đức và tài là hai nội dung không thể thiếu được, trong đó đức là gốc. Người viết: “Cũng như sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”. Trong giáo dục đạo đức cho thế hệ trẻ, theo Bác cần: Giáo dục lòng tuyệt đối trung thành với Tổ quốc với Đảng và hiếu với dân; giáo dục thế hệ trẻ phải biết sống với nhau có tình có nghĩa. Người dạy: Học bao nhiêu chủ nghĩa Mác-Lênin mà sống với nhau không tình, không nghĩa thì gọi gì là hiểu chủ nghĩa Mác-Lênin. Giáo dục thế hệ trẻ phải thực hành tốt phương châm: cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Giáo dục thế hệ trẻ luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, vào sức mạnh vô địch của nhân dân, kiên quyết đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, vì: “Chủ nghĩa cá nhân trái với đạo đức cách mạng, nếu nó còn trong mình, dù ít thôi, thì nó sẽ chờ dịp để phát triển, để che lấp đạo đức cách mạng, để ngăn trở ta một lòng, một dạ đấu tranh cho sự nghiệp cách mạng. Chủ nghĩa cá nhân là một thứ rất gian giảo, xảo quyệt, nó khéo dỗ dành người ta xuống dốc. Mà ai cũng biết rằng xuống dốc thì dễ hơn lên dốc, Vì thế mà càng nguy hiểm” .

Về việc giáo dục giác ngộ XHCN: Theo Bác phải làm cho mọi người nhận thức đúng đắn về sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng xã hội, giải phóng con người, Bác viết: “Người cộng sản chúng ta không một phút nào được quên lý tưởng cao cả của mình là phấn đấu cho tổ quốc hoàn toàn độc lập, cho chủ nghĩa xã hội hoàn toàn thắng lợi trên đất nước ta và trên thế giới”.

Về giáo dục văn hoá, kỹ thuật, lao động và sản xuất: Ngay sau khi Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà được thành lập, Bác đã xác định nhiệm vụ của cách mạng là: Diệt giặc đói, giặc dốt và diệt giặc ngoại xâm. Theo Người, dốt là một kẻ thù. Lênin cũng khẳng định: Thất học thì đứng ngoài chính trị. Do đó phải giáo dục, đào tạo thế hệ trẻ toàn diện về  kiến thức văn hoá, khoa học kỹ thuật, lao động và sản xuất...

  Bác nêu  phương thức giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng thế hệ trẻ là:

- Học đi đôi với hành, lý luận kết hợp với thực tiễn, vì học để hành, học mà không hành thì học vô ích, hành mà không học thì hành không trôi chảy. Ngày 21.10.1964 nói chuyện với thầy giáo và sinh viên trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Người căn dặn: “Học phải suy nghĩ, học phải liên hệ với thực tiễn, phải có thí nghiệm và thực hành. Học với hành phải kết hợp với nhau”. Ngoài ra, Người còn nhấn mạnh: “Giáo dục thế hệ trẻ không thể tách rời mà phải liên hệ chặt chẽ với cuộc đấu tranh của xã hội”.

- Kết hợp giáo dục giữa nhà trường, gia đình và xã hội. Tại lễ khai trường Đại học Nhân dân Việt Nam, ngày 19.1.1955, Bác  nhắc nhở: “Trường đại học, gia đình và đoàn thể phải liên hệ chặt chẽ với nhau  trong việc giáo dục thế hệ trẻ”

- Đề cao và phát huy tinh thần tự giáo dục, tự rèn luyện của thế hệ trẻ. Theo Người, kết hợp việc giáo dục của nhà trường, của xã hội và của gia đình là hết sức quan trọng, song việc tự rèn luyện, tự giáo dục của thế hệ trẻ mới đóng vai trò quyết định, Người chỉ rõ: “Thế hệ trẻ bây giờ là một thế hệ vẻ vang, vì vậy phải tự giác, tự nguyện mà tự động cải tạo tư tưởng của mình để xứng đáng với nhiệm vụ của mình” .

- Thông qua gương người tốt, việc tốt. Bác Hồ đã từng nói: “Lấy gương người tốt, việc tốt để hàng ngày giáo dục lẫn nhau là một trong những cách tốt nhất để xây dựng Đảng, xây dựng các tổ chức cách mạng, xây dựng con người mới, cuộc sống mới” .

- Tập hợp thế hệ trẻ trong các tổ chức và thông qua các tổ chức để giáo dục thế hệ trẻ. Ý thức đầy đủ về vai trò của các đoàn thể trong tập hợp, giáo dục thế hệ trẻ, sau khi tìm được con đường cứu dân, cứu nước, năm 1925, tại Quảng Châu, Trung Quốc, Hồ Chí Minh đã thành lập một tổ chức cách mạng của thế hệ trẻ Việt Nam. Sau này, nhân Đại hội đại biểu toàn quốc Hội liên hiệp thế hệ trẻ Việt Nam (1956), Người một lần nữa khẳng định: “Nhờ sự giáo dục, bồi dưỡng của Đảng, của Đoàn, nhiều chiến sĩ, anh hùng thế hệ trẻ đã nảy nở trong Cách mạng tháng Tám, trong cuộc toàn dân kháng chiến và trong xây dựng nước nhà hiện nay” .

Năm tháng đã đi qua và Người đã đi xa, nhưng những lời di huấn hết sức quý báu trên đây của Người đã soi đường chỉ lối cho mỗi chúng ta. Chỉ có trên cơ sở thấm nhuần và thực hành tốt những lời dạy của Người thì công tác giáo dục, đào tạo bồi dưỡng thế hệ trẻ mới đạt kết quả như mong muốn và thế hệ trẻ sẽ phát huy được vai trò to lớn của mình trong sự nghiệp CNH, HĐH đất nước, xứng đáng với niềm tin yêu của Đảng, của nhân dân và của chính Người./.

 
Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://thanminhque.name.vn là vi phạm bản quyền

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Giới thiệu...

PGS. TS. Thân Minh Quế - Tỉnh ủy viên, Bí thư Đảng ủy Các Cơ quan tỉnh Bắc Giang.

Ca khúc: Người lái đò trên dòng đời
Thống kê
  • Đang truy cập90
  • Máy chủ tìm kiếm86
  • Khách viếng thăm4
  • Hôm nay17,744
  • Tháng hiện tại503,541
  • Tổng lượt truy cập15,116,558
ẢNH HOẠT ĐỘNG
Thăm dò ý kiến

Bạn biết đến Website này từ nguồn thông tin nào?

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây