Hiệu quả từ một chủ trương đúng

Thứ tư - 11/05/2016 06:27
Hiệu quả từ một chủ trương đúng

Chủ Nhật, 8/5/2016 9:39'(GMT+7)

Hiệu quả từ một chủ trương đúng

Ủy viên Bộ Chính trị Nguyễn Thiện Nhân thăm một gia đình nuôi gà đồi Yên Thế tại Bắc Giang ngày 23/4/2013
Ủy viên Bộ Chính trị Nguyễn Thiện Nhân thăm một gia đình nuôi gà đồi Yên Thế tại Bắc Giang ngày 23/4/2013

(TG)- Từ một chủ trương đúng, phong trào chăn nuôi gà ở Yên Thế ngày càng phát triển mạnh và đạt hiệu quả cao. Thương hiệu “Gà đồi Yên Thế” ngày càng bay xa, không chỉ ở trong nước mà còn hướng đến xuất khẩu tới các nước trong khu vực

 Từ hàng trăm năm nay, trong tâm trí của nhiều người, Yên Thế luôn được biết đến như một vùng quê anh dũng kiên cường, ghi đậm dấu ấn bao chiến công oanh liệt trong lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm của dân tộc. Vùng đất này gắn liền với tên tuổi người anh hùng áo vải Hoàng Hoa Thám - vị thủ lĩnh đã lãnh đạo cuộc khởi nghĩa của nông dân Yên Thế chống lại thực dân Pháp ngót một phần ba thế kỷ. Phát huy truyền thống của cha ông, ngày nay thế hệ con cháu nơi đây đã và đang ra sức thi đua lao động sản xuất, vươn lên xoá đói, giảm nghèo và làm giàu cho quê hương. Nếu ai đã một lần đặt chân đến miền quê Yên Thế hẳn sẽ không thể nào quên được vị ngọt dịu của chè xanh Nông Trường, vị thơm mát trái cam Bố Hạ, vị đậm đà của nhãn Đông Sơn, mật ong Hồng Kỳ… và một đặc sản rất riêng không nơi nào có được đã làm nên thương hiệu nổi tiếng khắp nơi, thương hiệu "Gà đồi Yên Thế".

Huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang có diện tích đất tự nhiên trên 30.000ha, trong đó trên 23.900ha là đất nông nghiệp. Huyện có 21 xã, thị trấn với trên 26 nghìn hộ dân, số hộ nông nghiệp nông thôn chiếm gần95%. Trong công cuộc đổi mới của đất nước hiện nay, bộ mặt nông thôn ở Yên Thế đã có nhiều khởi sắc. Những con đường trải nhựa thẳng tắp, những ngôi nhà cao tầng ẩn hiện bên những đồi cây, vườn vải thiều bạt ngàn.... tất cả những điều đó đã minh chứng cho những chủ trương, nghị quyết đúng đắn của Đảng bộ huyện, là thành quả, công sức của nhân dân các dân tộc trong huyện.

Với tiềm năng trên 50% diện tích đất tự nhiên là đất lâm nghiệp, nhiều diện tích vườn đồi, vườn rừng, độ dốc thấp và cơ bản được phủ xanh bằng tán cây lâm nghiệp lâu năm. Thêm vào đó, đa số các vườn đồi có tính biệt lập cao, cách xa khu dân cư nên rất thuận tiện cho phát triển chăn nuôi gia cầm, theo phương thức thả đồi, thả vườn với số lượng lớn. Yên Thế còn có thế mạnh là nguồn lao động dồi dào với trên 96 nghìn nhân khẩu. Yên Thế có vị trí địa lý thuận lợi là rất gần các thành phố lớn như: Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên và Lạng Sơn. Trung tâm huyện chỉ cách thủ đô Hà Nội 75km. Hệ thống đường giao thông đến các trung tâm này tương đối thuận tiện, tạo điều kiện mở rộng giao lưu kinh tế hàng hoá với bên ngoài. Điều kiện tự nhiên với các yếu tố quan trọng về sinh thái, đất đai, thổ nhưỡng là cơ sở thúc đẩy các mô hình kinh tế vườn đồi, vườn rừng phát triển, tạo ra các sản phẩm hàng hoá mũi nhọn trong nông, lâm nghiệp của địa phương.

Với quan điểm phát triển kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm và để phát huy tiềm nămg thế mạnh của địa phương, nên từ năm 2006 Huyện uỷ Yên Thế đã xây dựng và ban hành chương trình phát triển nông - lâm nghiệp hàng hoá, trong đó xác định phát triển chăn nuôi gà là một trong 4 con chủ yếu, Huyện uỷ đề ra kế hoạch tập trung chỉ đạo phấn đấu luôn giữ ổn định tổng đàn gia cầm trên địa bàn huyện đạt 4 triệu con. Thực hiện chủ trương trên, UBND huyện đã thành lập Ban Chỉ đạo phát triển cây, con hàng hoá và chỉ đạo UBND các xã, thị trấn tăng cường công tác chỉ đạo các ngành, các cấp cùng tham gia thực hiện. Nhiều tổ chức đoàn thể như: Hội nông dân, Đoàn thanh niên, Hội phụ nữ, Hội Cựu Chiến binh huyện đã tích cực quán triệt, sâu rộng đến từng đoàn viên hội viên của mình, làm cho mọi người hiểu rõ lợi ích của việc phát triển chăn nuôi gà thả đồi, thả vườn dưới tán cây vải thiều.

Huyện uỷ, UBND huyện cũng có cơ chế hỗ trợ, kích cầu sản xuất và tiêu thụ hợp lý, nên phong trào chăn nuôi gà đồi được phát triển mạnh mẽ ở hầu hết các xã trên địa bàn huyện, nhất là ở các xã Canh Nậu, Tam Tiến, Xuân Lương, Tam Hiệp, Đồng Tiến, Đồng Vương, Đồng Kỳ, Tiến Thắng và An Thượng. Chỉ trong thời gian ngắn tổng đàn gia cầm đã tăng lên rất nhanh.

Nhằm nâng cao hơn chất lượng gà con thương phẩm, Huyện Yên Thế đã xây dựng và chỉ đạo thực hiện đề án nuôi gà bố mẹ với quy mô 5.000 con tại 5 xã với gần 50 hộ tham gia. Huyện đầu tư xây dựng các mô hình trình diễn về nuôi gà bố mẹ đã trực tiếp và gián tiếp thúc đẩy công tác xã hội hoá về sản xuất con giống, nên đã có thêm 27 hộ, 38 lò ấp nở gà con thương phẩm đi vào hoạt động, mỗi năm cung ứng cho thị trường thêm trên 2 triệu con gia cầm chất lượng tốt, thông qua các mô hình đã giúp đỡ và hướng dẫn các hộ dân trong việc lựa chọn và nhân rộng giống gà địa phương có chất lượng thịt ngon, ngoại hình đẹp, dễ thích nghi với điều kiện ngoại cảnh, từ đó uy tín về chất lượng sản phẩm gà đồi Yên Thế được nâng lên, được nhiều bạn hàng và người tiêu dùng ở nhiều tỉnh, thành phố biết đến, coi gà đồi Yên Thế như một loại con đặc sản.

Một trong những nội dung quan trọng để thúc đẩy quy mô chăn nuôi gà lớn, đảm bảo nâng cao chất lượng gà sạch, an toàn, đó là công tác chuyển giao KHKT luôn được huyện quan tâm chỉ đạo sâu sát. UBND huyện Yên Thế đã hỗ trợ kinh phí và chỉ đạo các ngành chức năng tổ chức được trên 300 lớp tập huấn chuyển giao KHKT chăn nuôi gà với trên 10.000 lượt người dự. Qua đó, trình độ chăn nuôi gà hàng hoá ở nhiều hộ dân đã được nâng lên rõ rệt, nhiều mô hình chăn nuôi gà an toàn với quy mô lớn từ 5.000-7000 con/lứa và nhiều lứa trên năm đã được hình thành và nhân ra diện rộng, số hộ nuôi gà quy mô từ 1.000-5.000 con/năm trở thành rất phổ biến ở hầu hết các xã trên địa bàn. Chăn nuôi gà đã trở thành một nghề đối với nhiều hộ dân, lợi thế so sánh về vườn đồi với mô hình nông, lâm kết hợp đã giúp cho nhiều hộ dân có thu nhập từ 100 - 200 triệu đồng, nhiều khoản chi tiêu trong các hộ gia đình khó khăn đã được giải quyết từ chăn nuôi gà, qua đó đã góp phần không nhỏ trong việc tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho người lao động.

Cùng với đó thì công tác thú y, phòng chống dịch bệnh của các ngành, các cấp trong những năm qua đã được củng cố, hoạt động của các Ban Chỉ đạo phòng chống dịch động vật có nhiều cố gắng, trong nhiều năm liền dịch cúm gia cầm và cúm A H5N1 luôn được bao vây, khống chế có hiệu quả, không để xảy ra dịch bệnh làm ảnh hưởng đến tính mạng con người. Đội ngũ cán bộ thú y thôn, bản các xã thị trấn đã được quy chuẩn hóa, ban thú y các xã, thị trấn được thực hiện theo quy chế do ngân sách huyện chi trả. Ngoài ra căn cứ vào tình hình nhiệm vụ, khả năng tài chính của từng cơ sở, các xã thị trấn có thể hỗ trợ và bổ sung để đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ. Thông qua phong trào chăn nuôi gà đồi hàng hoá, trên địa bàn huyện đã xuất hiện nhiều mô hình liên kết, hợp tác trong sản xuất như sản xuất con giống, thức ăn, thị trường tiêu thụ. Trên cơ sở đó tạo điều kiện thuận lợi cho việc sản xuất hàng hoá với số lượng lớn bền vững trong tương lai.

Từ năm 2008 Yên Thế đã phê duyệt và triển khai thực hiện Đề án phát triển gà đồi bền vững; sơ kết thực hiện Đề án nuôi gà bố mẹ giống địa phương; mở rộng mô hình từ 5 xã giai đoạn 1 năm 2007 lên 11 xã, giai đoạn 2 mở rộng thêm mô hình ở 6 xã mới, nâng tổng số xã, thị trấn tham gia dự án lên 11 đơn vị với quy mô 11.000 con. Cơ chế hỗ trợ cụ thể là: Đối với các hộ có trong danh sách hưởng lợi được hỗ trợ 60% tiền mua con giống, 100% tiền mua Vắc xin Marek và công tác tiêm phòng; các hộ không thuộc đối tượng hưởng lợi Đề án nếu có nhu cầu nuôi gà bố mẹ, hoặc các hộ có trong danh sách thực hiện đề án muốn mở rộng quy mô chăn nuôi số lượng lớn sẽ được xem xét cho vay vốn ưu đãi tạo việc làm tại Ngân hàng chính sách xã hội huyện với lãi suất 0,65%/ tháng để thực hiện chăn nuôi, nếu vay tại cácngân hàng thương mại sẽ được trả bù chênh lệch lãi suất giữa tiền vay ngân hàng thương mại với vay ưu đãi tạo việc làm. Đối với các gia đình tổ chức lắp đặt máy ấp trứng nếu có tham gia thêm dịch vụ ấp gà giống thuê cho các hộ có nhu cầu trong khu vực sẽ được xem xét hỗ trợ 20% giá máy lắp đặt từ nguồn quỹ khuyến công của huyện.

Huyện đã phối hợp với Trường Đại học Nông nghiệp Thái Nguyên khảo sát hoàn thiện thuyết minh Đề tài khoa học và công nghệ cấp bộ "Nghiên cứu chọn lọc, nhân thuần và chuyển giao công nghệ chăn nuôi gà thả đồi an toàn tại huyện Yên Thế, tỉnh bắc Giang", phối hợp với Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Sở KH&CN tỉnh Bắc Giang triển khai thực hiện Đề tài "Đánh giá thực trạng và đề xuất một số giải pháp góp phần phát triển chăn nuôi gà đồi huyện Yên Thế ". Tháng 9 năm 2010 UBND huyện đã phối hợp với Sở KHCN, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Sở Công thương, Sở tài chính và Doanh nghiệp chế biến tiêu thụ: Công ty cổ phần sản xuất và chế biến nông lâm sản thực phẩm xuất khẩu Tân Mai cùng công ty quảng cáo và dịch vụ thương mại Trần Tiến tổ chức lấy ý kiến hoàn thiện các mẫu thiết kế thương hiệu Gà đồi Yên Thế. UBND huyện cũng đã tổ chức hội nghị tới các ngành chức năng, các xã trong vùng dự án và các hộ chăn nuôi quy mô lớn để thông qua dự thảo Điều lệ Hội chăn nuôi và tiêu thụ gà đồi Yên Thế.

Từ một chủ trương đúng, cùng với các giải pháp kích cầu sản xuất và tiêu thu hợp lý nên phong trào chăn nuôi gà ở Yên Thế ngày càng phát triển mạnh và đạt hiệu quả cao. Đến nay, tổng đàn gà toàn huyện đã đạt trên 4,5 triệu con, tổng giá trị sản lượng đạt trên 1.000 tỷ đồng/năm. Yên Thế trở thành huyện có tổng đàn gia cầm lớn nhất toàn quốc. Gà đồi Yên Thế là giống gà địa phương có ngoại hình đẹp được thả trong đồi vải với những chiếc "nhà sàn" nhỏ nhắn xinh xắn, thức ăn chủ yếu là ngô hạt, côn trùng nên thịt săn chắc, có vị ngọt đậm đà và mùi thơm ngon đặc trưng của vùng rừng núi. Giờ đây sản phẩm ''Gà đồi Yên Thế'' đã có mặt tại các thị trường khó tính như Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh… Nhiều nhà hàng, khách sạn ở các thành phố về tận nơi đặt hàng... Ngày 29/9/2011, Cục Sở hữu trí tuệ có Quyết định số 28127/QĐ-SHTT ngày 18/8/2011 về việc cấp "Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu Gà đồi Yên Thế". Đây là niền vinh dự cho ngành chăn nuôi huyện Yên Thế để phát triển thương hiệu "Gà đồi Yên Thế" trong thời gian tới.

Để phát triển chăn nuôi Gà đồi bền vững trong những năm tiếp theo, đưa thương hiệu “Gà đồi Yên Thế” đến với mọi miền của đất nước, huyện Yên Thế đã có những giải pháp tích cực trong việc nâng cao chất lượng đàn gà, đảm bảo an toàn dịch bệnh cho đàn gia cầm, thực hiện các cơ chế hỗ trợ, các mô hình liên kết tạo điều kiện thuận lợi cho người chăn nuôi và các thành phần kinh tế. Với tiềm năng và thế mạnh sẵn có của địa phương, Yên Thế sẽ ngày càng phát huy những lợi thế trong xây dựng các mô hình nông lâm kết hợp, đưa thương hiệu “Gà đồi Yên Thế” ngày càng bay xa, không chỉ ở trong nước mà còn hướng đến xuất khẩu tới các nước trong khu vực.

Yên Thế đang chuyển mình từ chính sản phẩm trong nông nghiệp và nông thôn. Nó xuất phát từ một chủ trương đúng đắn của cấp uỷ Đảng,  à sản phẩm, là thành quả kết tinh từ trí tuệ, con tim, sức lao động của bao người, vì mục tiêu xây dựng quê hương Yên Thế anh hùng ngày càng giàu đẹp, văn minh./.

 

 TS.Thân Minh Quế, 
Tỉnh ủy viên- Hiệu Trưởng Trường Chính trị tỉnh Bắc Giang
Nguồn Tạp chí Tuyên giáo: 
http://tuyengiao.vn/Home/kinhte/87602/Hieu-qua-tu-mot-chu-truong-dung

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://thanminhque.name.vn là vi phạm bản quyền

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

ẢNH HOẠT ĐỘNG
Thăm dò ý kiến

Bạn biết đến Website này từ nguồn thông tin nào?

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây