ÂM VANG YÊN THẾ

Thứ ba - 20/10/2015 21:31
Bài viết của Mai Thục - Đăng tải theo nguyên bản của tác giả từ Hà Nội, ngày 20.12.2010.
ÂM VANG YÊN THẾ

Bóng Trăng Phồn Xương

 

Tù túng loanh quanh Hồ Gươm, hôm nay được về rừng, tôi vui hơn Tết.

           Tinh mơ, ô tô đưa chúng tôi vào bản Tam Tiến cách thị trấn Cầu Gồ bảy cây số. Xe luồn rừng gập ghềnh, thác núi cheo leo, lội suối, lên đèo. Thung lũng xa xa, tiếng gà gáy, chó sủa, tiếng chim ríu rít,bóng người chìm trong cây rậm rạp. Thấp thoáng những ngôi nhà hai tầng ngói mới đỏ tươi.

         Mưa bay. Cảnh núi rừng điểm tô những vạt ngô, mảnh ruộng thơm lúa, rạ rơm vàng lối nhỏ. Đẹp như tranh.

        Anh Nguyễn Duy Lâm, chủ tịch xã Tam Tiến đón chúng tôi, trò chuyện:

- Tam Tiến có nhiều tỷ phú rừng đồi. Các dân tộc

Kinh, Tày, Nùng, Cao Lan, Sán Chỉ chung sống, yêu rừng, trồng keo, bạch đàn, làm ao vườn, cây ăn quả, nuôi gà đồi. “Gà đồi Yên Thế”- thương hiệu nổi tiếng. Đêm đêm, từng đoàn xe về đây mua gà, chuyển khắp nơi. Đất rừng Tam Tiến mênh mông đều có chủ. Mỗi người nhận thầu hàng chục ha rừng, tái sinh cây cỏ làm giàu, giữ đất. Tam Tiến nhiều năm nay không bị lũ sạt lở núi. Người với rừng vui ca hát cùng võ sáo của cụ Triệu Quốc Uý, cháu một vị tướng của Hoàng Hoa Thám…

          Tôi mê rừng.

           Mưa bụi mờ xanh.

           Gió đại ngàn.

           Chim hót ríu ran.

           Côn trùng dạo nhạc.

            Bí ẩn. Hoang vu.

            Khát vọng sống dâng trào.

            Bóng nhỏ mong manh.

           Chập chờn sợ hãi.

      Bước chân tôi thanh thản leo lên đỉnh đồi bạch đàn của vợ chồng thương binh Trần Văn Nhân. Hàng ngày anh chị đèo xe máy vào khu rừng của mình, chăm cây phát cỏ. Tiếng máy phát cỏ rào rào rừng cây. Hoang vắng, hiện đại, và chuyên nghiệp. Rừng bạch đàn thân gỗ thẳng tăm tắp, đang chờ người mua. Anh Nhân bảo: “Chúng tôi vay vốn trồng rừng đã sáu năm, nay thu hoạch, đủ nuôi bốn con đi học, cháu gái lớn đang học đại học Sài Gòn”.

        Anh là bộ đội biên giới phía Bắc, bị thương, một chân bằng gỗ, leo đồi nhanh hơn vợ.

       Ngắm những ngọn núi trùng điệp thâm u bao bọc không gian bao la, không điểm tựa, tôi cảm phục những người như anh Thân. Sức sống con người thật diệu kỳ. Họ chung sống với rừng thiêng nước độc nhẹ nhàng, bình thản, thân thương.

      Qua cái chòi nho nhỏ ôm ấp anh chị Thân bữa cơm trưa, lúc mưa nguồn, nắng gắt rừng sâu, bạn tôi đùa: “Mai Thục ở lại đây viết”.

      Làm sao tôi đủ sức chung sống với rừng như anh chị. Họ có một sức sống phi thường. Người dân Việt Nam sống phi thường. Vượt thác lũ, nắng lửa, mưa rừng, những cuộc chiến liên miên, những ngày đêm tối sáng. Đời nọ nối đời kia. Không văn chương nào tả nổi. Không thể tưởng tượng. Chỉ có máu xương và nước mắt là có thật mà thôi!

       Ô tô vòng vèo dẫn chúng tôi khám phá cuộc sống của những tỷ phú gà đồi. Cuộc “cưỡi ngựa xem hoa” này, nếu gặp mưa bất chợt, lũ tràn xe. Đâu phải chuyện đùa.

       Chúng tôi đến nhà trưởng bản Nguyễn Thị Hạnh. Tỷ phú nuôi gà. Chị đi họp. Anh Đào Văn Chương, chồng chị mời chúng tôi thăm trại  gà trong vườn vải rộng chục ha. Anh đẩy xe thức ăn, kéo chuông nhỏ gọi gà. Đàn gà khoảng hai cân, lông thắm mượt, tíu tít tụ về, lục tục ăn uống. Mỗi lứa anh nuôi trên vạn con gà, quay vòng bốn vạn con/ năm.

        Tôi lẫn vào gà. Chụp ảnh tưng bừng cùng các bạn gà yêu mến. Vui tíu tít.

        Trại gà chị Hạnh nổi tiếng, nơi khách cả nước tham quan, học tập. Trại gà làm ăn chuyên nghiệp, khép kín, từ trứng gà, ấp gà con, gà đẻ, gà thịt và thức ăn tự chế biến ngô, khoai, sắn đến hệ thống thương mại. Chị Hạnh và con gái học cao đẳng chăn nuôi. Gà được chăm sóc vệ sinh, khoa học. Các anh chị gà mào đỏ chót.

       Thế giới gà rất đáng yêu. Tiếng gà gáy sớm, gáy trưa, canh một, canh hai, canh ba, canh bốn, canh năm, gọi con người. Tiếng gà mẹ gọi gà con. Gà mẹ xoà cánh ủ đàn gà con, khi phát hiện lũ diều hâu từ xa tít…

         Anh Chương tay lái ô tô, tay mở máy phát điện, tay gọi gà, nâng trứng… vẫn còn tay gảy đàn bầu. Chúng tôi rất vội, mà anh cố níu vào ngôi nhà hai tầng ấm cúng của mình, trải chiếu mời rượu và gảy đàn bầu đãi khách.

      Tiếng đàn bầu nỉ non bài hát ru con Nam Bộ “Gió mùa thu, mẹ ru con ngủ, năm canh chầy, thức đủ vừa năm” vang trong rừng sâu Yên Thế, như hẹn mời chúng tôi trở lại nơi này.

        Tôi quấn lấy cây đàn bầu không nỡ rời chân. Nhà báo Thanh Hải hứa: “Em sẽ đón chị lên đây nghe đàn bầu một đêm trăng trong rừng vắng”.

       Chương tiễn chúng tôi bằng nhạc điệu “Cây trúc xinh”. Anh bạn thơ Thanh Kim cùng tôi hát theo tiếng đàn bầu: “Cây trúc xinh, tang tình là cây trúc mọc. Cây trúc mọc bên bờ ao. Chị hai xinh tang tình là chị hai đứng. Đứng một mình, hoa lới xinh càng xinh”.

        Tỷ phú “Gà đồi Yên Thế” đấy!

       Họ sống lao khổ, nhọc nhằn, thông minh, nhẫn nại, cần mẫn, hợp lực với rừng, trở nên giàu và sang trong nhạc điệu hồn quê Việt.

          Họ chẳng kém ai trên thế gian này.

          An bình hơn mọi chốn.

          Rừng xanh ru những kiếp phong trần.

          Bởi họ yêu rừng, sống/ chết với rừng, nên được rừng yêu. 

       Xe vượt những vòng đồi dẫn chúng tôi về thôn Đồng Nhân xưa có đồn Đề Thám. Đất rừng Yên Thế, đầy ắp dấu chân Đề Thám. Rừng thiêng Yên Thế, đã thiêng càng trở nên thiêng liêng cùng Đề Thám.

        Một tốp các bà, các cháu dân tộc Nùng, trang phục màu xanh chàm, đợi chúng tôi từ sớm, hát dân ca Nùng tặng bạn.

      Những gương mặt bảy, tám mươi bừng sáng. Giải chiếu giữa nhà tiếp khách, các bà hồn hậu kể chuyện ngày xưa đi hát lượn.

         Bà Long Thị Thanh, đôn hậu hiền hoà, nét đẹp thiếu nữ bỗng ùa về trong giọng kể:

- Mười lăm tuổi chúng tôi mặc quần áo hội hè, rủ nhau đi hát vào các phiên chợ. Đam mê. Hát giao duyên như hát quan họ dưới xuôi. Bên nam, bên nữ, hát đối đáp. Rồi yêu nhau. Thành chồng vợ.

        Các bà đồng thanh hát những làn điệu cổ vui trầm ấm, và dịch tiếng Việt bài “Con gà trống thiến”:

      - “Em hát anh đừng cười. Nếu em hát được giọng như anh, em sẽ lễ tết cho anh con gà trống thiến. Nếu gà trống thiến anh chê bé, thì em sẽ tết anh con lợn quay”.

       Mấy cô gái Nùng, e thẹn hát bập bõm từng câu: “Sao mẹ lại gả chồng xa. Một năm được về nhà thăm một lần. Mẹ ơi mẹ gả chồng xa. Con về con xách con gà trống to”.

         Chia tay chúng tôi, các bà hẹn mùa Xuân về Lễ hội Yên Thế, nắm tay nhau vui hát dân ca.


                  Trưa Yên Thế ngày cuối năm.

      Ánh mặt trời trôi nhanh. Gió cuốn rừng chiều.

                 Trong văn phòng huyện uỷ.

        Bí thư Thân Minh Quế tiếp chúng tôi. Bất ngờ, tôi nhận ra dáng vẻ nghệ sĩ của anh trong phong điệu thanh thoát, đôi mắt sáng sau cặp kính trắng.

         Chúng tôi tràn đầy hứng khởi sau chuyến leo rừng. Tôi vui lan man trước đồi rừng bạch đàn thẳng tắp vút cao của vợ chồng anh thương binh, ẩn sâu, trùng điệp núi.

       Màu xanh cây rừng nao nức lòng tôi. Tuổi thơ tôi được rừng xanh ấp ủ. Màu xanh cây ôm tôi suốt cuộc đời, mà giờ đây tôi chỉ là kẻ “cưỡi ngựa xem hoa”. Vô tình. Vô cảm.

        Nhưng tôi có thể làm được gì cho rừng cây xanh,

thêm xanh bất tận, rộn rã tiếng con người?

         Tôi muốn gọi vang: “Gáy lên đi gà ơi! Hát lên đi hỡi đồng bào ơi! Cho rừng mãi mãi xanh cây lá, giữ đất nuôi người. Cho thác lũ ngàn sâu/ không tàn phá nước non. Cho tình người xanh thắm yêu thương”.

        Tạ tình muôn người trong một, đã nghe tiếng gà gáy mà bồn chồn thương nhớ. Thương nhớ Con Người. Thương nhớ cái Đẹp một đi không trở lại.

       Chúng tôi chân thành chia vui cùng bí thư Quế về chuyện dân Yên Thế trồng rừng, nuôi gà, làm kinh tế giỏi.

       Nhưng anh lại nói về văn hoá tâm linh- đất thiêng Yên Thế:

- Làm sao cho mọi người no đủ là tất yếu. Nhưng đời sống con người không có văn hoá tâm linh thì không ổn. Yên Thế là vùng đất lịch sử đầy biến động, thăng trầm. Là nơi rừng thiêng nước độc, bí hiểm thâm u, núi non trùng điệp với những cánh rừng đại ngàn nằm trên dải đất biên thuỳ trấn ải phía Bắc, phên dậu vững chắc bảo vệ kinh đô Thăng Long. Quá trình vật lộn với thiên nhiên, dã thú, giặc cướp, tụ cư mở đất, lập bản làng, những con người ở đây gắn kết bên nhau, chia ngọt sẻ bùi, sức sống kiên cường, bất khuất. Tinh thần thượng võ, cảm hứng chinh phục thiên nhiên kỳ vĩ, đã tạo nên những cá tính, bản lĩnh, tâm hồn lớn, tình yêu lớn “Trai Yên Thế, gái Nội Duệ Cầu Lim”.

Yên Thế xa xưa đã là nơi tụ hội “anh hùng Lương Sơn Bạc”. Những con người tài hoa “cầm kỳ thi hoạ”, những hiền tài khắp nơi theo chân các nghĩa sĩ hảo hán, võ lâm, tìm đến xả thân vì nghĩa lớn.

Đề Thám đã cho họ được thoả chí tang bồng, được phát huy hết khả năng, sở trường của mình. Đa số những con người ấy, cá tính mạnh mẽ, cao thượng, và lãng mạn. Họ chiến đấu hết mình và uống rượu ngâm thơ, đàn hát, ngắm cảnh núi rừng hùng vĩ, cao hứng, hoạ những bức tranh thuỷ mặc, hồn nghệ sĩ hướng lên cao, tinh khôi, nồng ấm.

Binh khí đánh giặc của họ cũng là nghệ thuật truyền thống. “Thập bát ban binh khí”- mười tám môn vũ khí, trong đó mỗi môn, mỗi loại có những kỹ thuật đặc trưng riêng tuỳ nghệ thuật sử dụng của từng người như cung, nỏ, ná, quyền. Có những loại binh khí là những nhạc cụ như: sáo sắt, đàn tranh, đàn bầu, não bạt.

Đó là những di sản văn hoá nghệ thuật riêng có của Yên Thế dành cho các thế hệ hôm nay và mai sau mà chúng ta chưa khám phá được bao nhiêu.

Mấy năm qua, cây sáo sắt dài với tiêu đề lãng mạn “Bóng trăng Phồn Xương” nổi tiếng về di sản văn hoá phi vật thể của Yên Thế, hoà hợp nhuần nhuỵ giữa âm nhạc và võ thuật. Đây là một tiết mục văn nghệ đặc sắc của nghĩa quân Hoàng Hoa Thám. “Bóng trăng Phồn xương” còn là vũ khí nhạc thơ, Hoàng Hoa Thám diệt giặc. Đêm thanh vắng trong rừng huyền bí, tiếng sáo sắt vang lên, hợp khí thiêng đại ngàn, như hiệu lệnh tụ sức muôn người hùng hồn đứng dậy, khiến giặc chỉ nghe tiếng sáo đã kinh hoàng, gọi Hoàng Hoa Thám là “Hùm xám rừng thiêng”.

Bí thư Thân Minh Quế giấu những giọt nước mắt khóc cha vừa về với Tổ tiên rừng thiêng Yên Thế. Anh đắm mê kể chuyện Hoàng Hoa Thám và “Bóng trăng Phồn Xương” cuốn chúng tôi vào tiếng sáo sắt diệu kỳ:

- Chúng tôi lập Câu lạc bộ võ thuật Hoàng Hoa Thám, lập nhóm nghiên cứu sưu tầm những di sản võ thuật tiềm ẩn trong các bô lão, võ sư ở các bản làng. Một trong những bài võ tìm được là bài võ sáo “Thiết địch thần phong, ngọc tiêu diệu khúc” (Cây sáo sắt mạnh như gió thần với những tiếng tiêu du dương tuyệt diệu). Nghe âm lượng tiếng sáo biết người nghệ sĩ thổi sáo buồn vui, thương nhớ, yếu mạnh, bình an hay âu lo, thảng thốt. Âm lượng tiếng sáo linh diệu, biến ảo, là linh hồn nghĩa quân Đề Thám, lúc dồn dập như sóng, như mưa bão, như sấm sét, khi buồn thương da diết, khi tĩnh lặng thâm sâu, khi hiền hoà mơ mộng…

 Về Tam Tiến lần này, chúng tôi chưa thể về bản rừng

    Phe, thắp nén tâm nhang dâng hồn cụ Triệu Uý đã truyền hậu thế bài võ “Thiết địch thần phong” được cụ tiếp thu từ một nghĩa quân Đề Thám. Ngoài võ thuật, cụ còn là một xạ thủ “bách phát, bách trúng”. Cụ đã lẫn vào núi thiêng năm 2008, tuổi ngoài chín mươi. Nhóm sưu tầm võ thuật do cụ truyền dạy thuộc lớp người “xưa nay hiếm”, đã kịp cùng cụ Uý biên soạn bài bản bài võ sáo “Thiết địch thần phong” đổi tên thành “Bóng trăng phồn xương”.

          “Bóng trăng Phồn Xương” giờ đây nhuần nhị uyển chuyển, mềm mại, réo rắt, vang vọng sâu sa, gợi mở khoáng đạt vẻ đẹp và khát vọng sống yêu thương giữa đại ngàn.

           “Bóng trăng Phồn Xương” với năm mươi mốt chiêu thức chuyển động diệu huyền như nước chảy, mây trôi. Cây sáo sắt dài 60cm, người nghệ sĩ phải thể hiện âm vực gấp khúc, uốn lượn, thăng giáng, trầm hùng đủ các chiêu thức như một võ sĩ: Thượng bộ hợp địch, Tiền nhân chỉ lộ, Tam hoàn sáo nguyệt, Đại khôi tinh, Linh miêu bổ thử, Thanh long hộ thảo, Mãng xà truy lão hổ, Uyên ương thoái bộ, Phong tảo mai hoa…

           Võ sáo là nghệ thuật âm nhạc tụ hồn thiêng thượng võ, là loại vũ khí chuyển kiếm, các phép dùng kiếm như nghệ thuật. Võ sáo- vũ khí nghệ thuật của âm thanh, của gió và hơi thở, khí chất, năng lượng con người và vũ trụ.

            Nghệ sĩ bắt đầu thổi sáo, âm vực hài hoà tả cảnh trăng treo biến ảo, sơn thuỷ giao tình. Xa xa những dãy núi đất uốn lượn xanh tươi nhiều lâm sản quí, chim muông đua hát vang lừng, những ngọn đồi vi vút thông reo. Rồi chàng từ từ hạ chân chuyển thế “trảo mã tấn” nhìn ngang dưới chân, bàn tay khoả nước, mắt nhìn xuống soi bóng trăng. Trăng trên trời cao đã chuyển vào đáy nước. Mơ màng. Thăng giáng. Uyển chuyển mà sôi động. Không gian chảy trôi thần diệu. Không tiền, khoáng hậu.

          Nghệ sĩ với “Bóng trăng Phồn Xương” phải có tài nghệ siêu đẳng về võ và âm nhạc. Thông thạo nghệ thuật “Thập tam kiếm pháp”. Mười ba kiếm pháp trở thành nghệ thuật “Kiếm thu như bông hoa, kiếm đùa như đinh đóng” hợp cùng âm vực tiếng sáo sắt tha thiết tâm tình, tự sự, thêm bạn bớt thù, bỏ binh đao, lãng đãng cùng trăng treo đầu núi, trăng in đáy nước, trăng mờ trong sương. Tiếng sáo sắt mạnh mẽ, thực và mơ, sáng bừng trí huệ, chở đầy năng lượng, làm biến đổi nhân gian.

             Âm nhạc phụ thuộc vào khí lực người nghệ sĩ. Chàng có võ thuật khí điêu luyện, hít thở không khí vào cơ thể hoà hợp chuyển động tay chân, các cơ, biến thành khí lực. Chàng vận khí, điều nội khí đến bất kỳ nơi nào trong cơ thể. Võ sáo “Bóng trăng Phồn Xương” là những phút giây chàng vận khí đất trời, thành khí lực của mình, toả âm thanh hồn người Yên Thế hoà với rừng thiêng.

            Người thưởng thức “Bóng trăng Phồn Xương” cũng phải am hiểu võ thuật và âm nhạc. “Hổ phụ sinh hổ tử”. “Ngưu tầm ngưu/ Mã tầm mã”. “Đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu”.

           Con người Yên Thế đầy ắp tâm thức thượng võ truyền thống. Buổi hồng hoang, võ, vật ban đầu sơ sài. Con người dựa vào sức mạnh thiên phú với các động tác đơn giản, chống đỡ và tái hiện các động tác của  muông thú: hổ, báo, mèo, rắn… dần dần nâng lên thành nghệ thuật cao cường, gan góc chống lại thú vật và kẻ thù hoặc vui chơi giải trí, luyện sức, đua tài.

             Miền Cầu Vồng Yên Thế triều Mạc có những người võ nghệ tinh thông, được phong tước quận công như Quốc Minh, Hồng Lương, Hồng Lượng.

            Các nhân vật võ lâm thường theo một trong hai khuynh hướng. Một là theo con đường võ nghiệp, điều binh, khiển tướng, thăng quan tiến chức. Hai là theo đuổi tập tành những công phu  đặc dị, “quái gở, quái chiêu”. Họ thích ngao du

    sơn thuỷ, phiêu đãng thiên hạ với châm ngôn hảo hán: “Da ngựa bọc thây”, “Bốn bể giai huynh đệ”, “Giang hồ không bến đợi”, “Tự do, tự tại”, “Đội trời đạp đất”, “Độc trụ kình thiên”. Khuynh hướng thứ hai này được nhiều môn đồ võ phái khác nhau “rong ruổi dặm trường”. Họ lập các môn phái, có võ đường riêng luyện tập, võ sư thu hút võ sinh, toả lan võ thuật tới các vùng miền.

          Hoàng Hoa Thám chọn nhiều nhân tài võ, làm võ tướng. Nghệ thuật quân sự đi đôi với võ thuật của Hoàng Hoa Thám là bí quyết để cuộc khởi nghĩa Yên Thế hiên ngang suốt ba thập kỷ. Người Pháp kinh hoàng. Không hiểu nổi.

              Bảo tàng Hoàng Hoa Thám tại Yên Thế có nhiều cuốn sách người Pháp viết về Hoàng Hoa Thám chưa dịch. Nhiều bức ảnh tư liệu về cuộc khởi nghĩa, sự tàn sát khốc liệt của giặc, vũ khí cổ truyền mã tấu, cung, nỏ của nghĩa quân, về Hoàng Hoa Thám và cuộc sống gia đình… do người Pháp gửi lại, là kho báu, chúng ta chưa hiểu hết.

          Ngày nay, người Yên Thế đang khôi phục và phát triển võ thuật trong đời sống bản làng. Nhiều võ sư, lò võ truyền võ thuật cho giới trẻ. Ngoài cụ Triệu Uý, ở Bắc Giang duy nhất võ sư Trịnh Như Quân biểu diễn được võ sáo “Bóng trăng Phồn Xương” giành giải “Độc đáo nhất”.

           “Bóng trăng Phồn Xương” Trịnh Như Quân biểu diễn

    được dựng phim tài liệu võ nhạc dân tộc, đoạt giải nhì thi liên hoan điện ảnh truyền hình quốc tế FICTS tại Hà Nội 2008, được gửi đi Milan (Ý) giới thiệu văn hoá phi vật thể đặc sắc Việt Nam.

            Chúng tôi thăm Câu lạc bộ võ Hoàng Hoa Thám. Võ sư Nguyễn Trường Sinh dạy lớp thanh thiếu niên từ chín đến mười sáu tuổi. Các bạn nữ duyên dáng, nhiều hơn nam, biểu diễn bài quyền “Lão hổ thượng sơn” uyển chuyển tinh tế, dáng điệu oai linh, cương nhu như hổ. Đẹp lạ lùng.

           Nguyễn Trường Sinh tâm sự:

    - Người xưa có câu “Văn võ song toàn”. Người có võ,

    có văn sống bình thản, vững vàng, kiên trì, bất khuất, can đảm, nhẫn nại mà không chịu nhục, biết tôn sư, trọng đạo. Học văn võ là học làm người có đạo, trên kính, dưới nhường, ghét gian tà, bênh kẻ yếu “Ra đường dẫu thấy bất bằng chẳng tha”. Những người “Văn võ song toàn” sống khoẻ mạnh, yêu đời, yêu người, phóng khoáng, tự do, biết dừng, biết đủ “Thắng không kiêu, bại không nản”. Sống yêu thương. Tình yêu trải rộng núi sông, đến muôn người, muôn vật. Không ghen tỵ hiềm khích, thấp bé, nhỏ nhen. Biết tôn nhau “sư huynh”, “sư đệ”, bác ái trong tình huynh đệ. Không dùng kế sách “tiểu nhân” để triệt hạ đối thủ và không “lừa thầy, phản bạn”. Giới trẻ Việt Nam ngày nay, được đào tạo “Văn võ song toàn” là mơ ước của chúng ta.

    Chiều Yên Thế sương giăng mờ núi.

      Bí thư Thân Minh Quế dùng dằng không muốn chúng

        tôi về. Anh kéo chúng tôi lên phòng làm việc của mình đầy sách, tài liệu, máy tính với cây đàn ghi- ta, đàn nguyệt, mở bản nhạc Bài ca Yên Thế do anh sáng tác và mời chén rượu ấm tình Yên Thế.

               Lâu lắm rồi. Tôi lại gặp một vị “quan huyện” có

        tâm hồn nghệ sĩ. Ngày xưa Nguyễn Du, Chu Mạnh Trinh, Nguyễn Công Trứ vừa làm quan vừa là nghệ sĩ, đam mê sơn thuỷ, dâng hiến hết mình cùng sông núi, con người. Cuộc đời làm quan của họ không ít hệ luỵ bởi “chất nghệ”, nhưng khoáng đạt, thoả chí là mình, đã để lại di sản văn hoá cho đời, và Tình yêu còn lại.

                Tôi mơ những ông quan nghệ sĩ tái sinh, ra sức anh hào, cùng tất cả những người Việt trên mảnh đất hình chữ S và khắp hoàn cầu, nâng niu sông núi- con người Việt Nam.

               Anh Quế hẹn chờ chúng tôi về Yên Thế ngắm “trăng Phồn Xương” trên ngọn núi xanh cao.

                Người con trai Yên Thế nhiều duyên nợ với Đề Thám, luôn đau đáu đi tìm Hoàng Hoa Thám. Anh bảo: “ Chúng tôi đã cùng Viện khoa học lịch sử mở hội thảo nghiên cứu Hoàng Hoa Thám. Song vẫn còn nhiều bí ẩn. Cái chết của cụ Đề thành huyền thoại. Nhiều chuyện thêu dệt mờ ảo. Tôi tin rằng một kiệt nhân, uyên thâm, thông thái, bản lĩnh cao cường, thần diệu như cụ- không thể chết một cách bình thường. Cụ biết chọn cho mình một cái chết đúng tầm vóc của mình. Hoàng Hoa Thám sống anh hùng hảo hán, chết cũng anh hùng xứng với núi sông.”

                                Âm vang Yên Thế.

               Một trăm năm sau vẫn bí ẩn diệu huyền.

               Âm vang Yên Thế. Gọi chúng tôi về Yên Thế.  

         

         

         

        Nguồn tin: Mai Thục

        Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

        Click để đánh giá bài viết

          Ý kiến bạn đọc

        ẢNH HOẠT ĐỘNG
        Thăm dò ý kiến

        Bạn biết đến Website này từ nguồn thông tin nào?

        Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây