TUYÊN NGÔN ĐỘC LẬP - BẢN HÙNG CA BẤT DIỆT

Chủ nhật - 05/06/2016 09:48
(Bài đăng trên Tạp chí Lịch sử Đảng số tháng 5/2016)

Cách đây hơn 70 năm, ngày 02/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trịnh trọng đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh Nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa - Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á. Bản Tuyên ngôn độc lập ngắn, gọn nhưng chứa đựng những giá trị hết sức to lớn, có ý nghĩa thời đại sâu sắc.
TUYÊN NGÔN ĐỘC LẬP - BẢN HÙNG CA BẤT DIỆT

Quá trình chuẩn bị công phu, tầm nhìn chiến lược

Theo một số tài liệu lịch sử thì bản Tuyên ngôn độc lập được Bác soạn thảo, tham khảo ý kiến, chỉnh sửa và hoàn thành trong một thời gian rất ngắn (từ ngày 28/8 đến 31/8/1945 tại ngôi nhà số 48 Hàng Ngang, Hà Nội), nhưng sự thực đó là kết quả của cả một quá trình trăn trở, suy ngẫm lâu dài và chuẩn bị rất công phu. Từ khi còn thiếu thời “trạc tuổi 13” học ở Trường tiểu học Vinh, Nguyễn Tất Thành đã ấn tượng rất sâu sắc với ba từ ở phía trên bảng đen “LIBERTÉ, ÉGALITÉ, FRATERNITÉ ” (Tự do, bình đẳng, bác ái) và Người đã tìm hiểu, biết đó là khẩu hiệu nổi tiếng của Đại cách mạng Pháp năm 1789. Trong hành trình tìm đường cứu nước, cuối năm 1912 Bác Hồ đã tới Mỹ. Chính ở đây, lần đầu tiên Bác đã đọc bản Tuyên ngôn Độc lập của nước Mỹ năm 1776. Quãng thời gian dài ở trên đất Pháp chắc Bác đã đọc nhiều lần Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của nước Pháp. Trên báo Le Paria số 22 tháng 1/1924 trong bài “Ông Anbel Xaro và Bản tuyên ngôn Nhân quyền” Bác đã nói về bản Tuyên ngôn ấy như sau: “ Người ta sinh ra và mãi mãi tự do và bình đẳng về quyền. Các quyền ấy là: Tự do, tư hữu, an ninh và chống áp bức”.

Đọc Tuyên ngôn độc lập ta thấy ở đó sự khám phá lớn, sự khảo nghiệm sâu sắc của Bác không chỉ là ở các bản tuyên ngôn lập quốc nổi tiếng trong lịch sử nhân loại mà có cả những bản tuyên ngôn bất hủ và những bài học quý báu trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Ngày 19/5/1941, Mặt trận Việt Nam độc lập đồng minh, gọi tắt là Việt Minh ra đời với bản Tuyên ngôn nêu rõ “Coi quyền lợi dân tộc cao hơn hết thảy… để dựng lên một nước Việt Nam tự do và độc lập”. Chương trình cứu nước của Việt Minh do Bác khởi thảo cũng nhằm vào hai mục tiêu chính là độc lập và tự do. Trong thời gian ở Pác Pó, Cao Bằng, bên con suối Lênin, Bác đã dịch sử Đảng và viết cuốn “Lịch sử Việt Nam diễn ca” gồm 236 câu lục bát nêu từ thời các vua Hùng dựng nước đến năm 1942. Cuối tác phẩm có mục “Những năm tháng quan trọng”, Bác viết: “1945 - Việt Nam độc lập”. Điều này cho thấy Bác đã nghiên cứu rất kỹ lịch sử Việt Nam và những gì Bác đề cập trong Tuyên ngôn là sự kế thừa, phát triển những bản tuyên ngôn của các bậc tiền bối như: Lý Thường Kiệt, Nguyễn Trãi, Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám, Phan Bội Châu và của nhiều người khác, của bao nhiêu sách báo truyền đơn bí mật viết bằng máu và nước mắt của những nhà yêu nước. Bản Tuyên ngôn độc lập là hoa, là quả của bao nhiêu máu xương người Việt đã đổ, bao người con ưu tú đã hy sinh. Ở đây cũng cho ta thấy từ mấy năm trước, Bác đã tiên đoán thời điểm cách mạng thành công là năm 1945 và có những chuẩn bị rất chu đáo cho bản Tuyên ngôn độc lập trong ngày 02/9/1945. Bản Tuyên ngôn thể hiện một tầm nhìn chiến lược, lâu dài của Chủ tịch Hồ Chí Minh và của Đảng ta.

Áng văn chính luận mẫu mực 

Với 1.009 từ, Tuyên ngôn độc lập Nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa còn được thế giới coi là tác phẩm tuyên ngôn mẫu mực, chặt chẽ về bố cục và tính pháp lý, giàu hình ảnh văn học, thể hiện rõ được ý chí nguyện vọng của dân tộc, của thời đại; mang tính lịch sử và nhân văn, tính đặc thù và phổ quát.

Ở đầu bản Tuyên ngôn, Bác đã trích dẫn những lời lẽ chứa đựng nội dung thiết yếu trong hai bản tuyên ngôn nổi tiếng thế giới là Tuyên ngôn Độc lập của nước Mỹ và Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của nước Pháp (2 nước đế quốc đã xâm lược và âm mưu xâm lược Việt Nam). Đây là một lập luận vừa kiên quyết vừa khôn khéo; có thể gọi đó là thủ pháp “lấy gậy ông đập lưng ông” rất đích đáng của tác giả. Nếu họ cố tình bác bỏ thì có nghĩa là họ đã phủ nhận lý lẽ của chính tổ tiên họ. Mặt khác, việc viện trích dẫn hai bản tuyên ngôn kia còn có nghĩa là Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt ba cuộc cách mạng của nhân loại ngang bằng nhau, trong đó cách mạng Việt Nam đã cùng một lúc thực hiện nhiệm vụ của cả hai cuộc cách mạng Pháp và Mỹ. Qua đó, Người muốn khẳng định: Mục đích cao cả của các cuộc cách mạng này là vì hạnh phúc của con người.

Nếu như trong Tuyên ngôn nhân quyền của nước Mỹ có câu: “All men are created equal” (Mọi người sinh ra đều bình đẳng) chỉ nhấn mạnh đến khía cạnh con người thì Hồ Chí Minh đã tiến một bước xa hơn và cao hơn về tầm tư duy là khẳng định điều này ở phạm vi rộng hơn, sâu sắc hơn ở chỗ “Tất cả các dân tộc trên thế giới sinh ra đều có quyền bình đẳng” (All people are created equal). Ở đây, Người đã thay thế từ mọi người thành từ mọi dân tộc, những giá trị cá nhân vốn là đặc trưng của văn hóa phương Tây được thay thế bằng những giá trị mang tính tập thể là đặc trưng của văn hóa phương Đông. Đó chính là sự sáng tạo tuyệt vời của Hồ Chí Minh.

Tính chất mẫu mực của áng văn xuôi chính luận còn được biểu hiện ở hệ thống lập luận chặt chẽ và khoa học, ngôn ngữ chuẩn mực, giản dị, logic, lời lẽ đanh thép. Đó liên tục là một chuỗi của các lập luận về quyền dân tộc, về việc thực dân Pháp vi phạm các quyền đó, về thời cơ của vận nước, quyết tâm của chính phủ và nhân dân ta trong việc giữ gìn quyền độc lập và tự do. Lời văn của Tuyên ngôn hết sức trang trọng, lôi cuốn, thôi thúc lòng người. Các phát ngôn đầy tính nhân văn, lịch lãm, nhưng không màu mè và giả tạo, rất tự nhiên, trung thực. Lối viết ngắn gọn, hàm súc, đầy thuyết phục. Ví như chỉ một câu 9 từ mà nêu bật một cục diện chính trị: "Pháp chạy, Nhật hàng, vua Bảo Đại thoái vị". Tính dân tộc và tính đại chúng trong Tuyên ngôn thể hiện rõ nét ở những câu, từ vừa mang tính chính luận sắc bén, dễ hiểu, dễ nhớ, mọi tầng lớp trí-công-nông-binh đều hiểu rõ. Các từ như “thẳng tay”, “tắm”, “nòi giống ta”, “tận xương tủy”, “giết nốt”, “gan góc” hoàn toàn là Việt ngữ, không hề vay mượn, pha tạp chút nào. Văn phong của Bác rất nhuần nhị, uyển chuyển trong cách sử dụng điệp từ điệp ngữ, cấu trúc cân xứng, trùng điệp, tăng cấp... tạo nên những câu văn ý đẹp lời hay, ấn tượng.

Cùng với “Nam quốc sơn hà” của Lý Thường Kiệt, “Bình Ngô đại cáo” của Nguyễn Trãi, “Tuyên ngôn độc lập” của Hồ Chí Minh được coi là ba bản tuyên ngôn bất diệt của nước Việt Nam ta. Đó là những áng thiên cổ hùng văn. Tuyên ngôn Độc lập còn là một áng văn xuôi chính luận mẫu mực.

Những giá trị lịch sử lớn lao

Ý nghĩa của bản Tuyên ngôn độc lập là đã khẳng định trước hết và trên hết một chân lý: Tất cả các dân tộc trên thế giới sinh ra đều có quyền bình đẳng; dân tộc nào cũng có quyền được sống, quyền sung sướng và quyền tự do. Đó là quyền chính đáng của các quốc gia, dân tộc trên thế giới. Bất kỳ thế lực nào có âm mưu xâm lược, áp bức, bóc lột và nô dịch dân tộc Việt Nam là đã chà đạp lên những nguyên tắc sơ đẳng nhất của quyền dân tộc tự quyết, vi phạm luật pháp quốc tế và chắc chắn sẽ bị sự phản kháng đến cùng của dân tộc Việt Nam và cùng chung số phận của những kẻ từng xâm lược Việt Nam trong lịch sử.

Tuyên ngôn độc lập là văn bản pháp lý quan trọng đầu tiên khai sinh ra Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, khẳng định quyền tự do, độc lập của nhân dân và dân tộc Việt Nam với toàn thế giới. Văn kiện pháp lý này thay thế cho tất cả các văn kiện pháp lý của các chế độ cũ trước đó và khẳng định rõ ràng nền độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của dân tộc Việt Nam. Bản Tuyên ngôn đã tuyên bố chính thức một chính quyền cách mạng mới của nhân dân Việt Nam được xây dựng và sẽ trưởng thành theo đúng ý nguyện của mọi tầng lớp nhân dân Việt Nam; là bản cáo trạng tuyên bố kết liễu sự tồn tại của các triều đại phong kiến và chế độ thực dân nửa phong kiến đã suy tàn.

Tuyên ngôn khẳng định cơ sở chính trị - thực tiễn và cơ sở pháp lý của nền độc lập, nêu bật ý chí và tinh thần dũng cảm, kiên cường, bất khuất của cả dân tộc Việt Nam trong việc bảo vệ nền độc lập, tự do, dân chủ của chính mình. Tuyên ngôn độc lập còn là tác phẩm đầu tiên trong lịch sử Việt Nam hội tụ được các trào lưu lịch sử Việt Nam với trào lưu lịch sử nhân loại, làm xích lại gần nhau những quan niệm về quyền sống của con người và cao hơn là quyền dân tộc tự quyết của các dân tộc trên thế giới. Nó còn là sự kết hợp hữu cơ giữa những tinh hoa về trí tuệ và văn hóa của nhân loại với những giá trị bền vững của trí tuệ và nền văn hóa đậm đà bản sắc của dân tộc Việt Nam. Tuyên ngôn là sự kết tinh khát vọng độc lập mấy nghìn năm của dân tộc. Đó là một mốc son chói lọi, góp phần làm rạng rỡ nền văn hiến Việt Nam, chấm dứt chính thể quân chủ chuyên chế và chế độ thực dân áp bức, mở ra một kỷ nguyên mới dân chủ cộng hoà ở nước ta.

Trong cuốn hồi ký "Những năm tháng không thể nào quên", Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết: "Bản án chế độ thực dân Pháp" đã có từ 30 năm trước đây. Nhưng hôm nay mới chính là ngày chế độ thực dân Pháp bị đưa ra cho toàn dân Việt Nam công khai xét xử. Lịch sử đã sang trang. Một kỷ nguyên mới bắt đầu: Kỷ nguyên Độc lập, Tự do, Hạnh phúc... Cả dân tộc đã hồi sinh".

Thực hiện lời thề trong Tuyên ngôn độc lập, cả dân tộc Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã anh dũng đấu tranh suốt 30 năm chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược với tinh thần “Thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”, “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” để giành độc lập, thống nhất với những chiến công hiển hách: Điện Biên Phủ năm 1954, Đại thắng mùa Xuân năm 1975 và với những thành tựu to lớn trong công cuộc xây dựng, bảo vệ tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Với hiện thực lịch sử hào hùng đó, kể từ Hội nghị Giơ-ne-vơ (21-7-1954) đến nay các nước lớn là Mỹ, Anh, Pháp, Liên Xô, Trung Quốc, Nhật Bản và hầu hết các quốc gia trên thế giới đã phải công nhận, tôn trọng quyền độc lập của Việt Nam. Vị thế nước ta trên trường quốc tế ngày càng được củng cố và tăng cường.

Năm tháng đã đi qua và Bác Hồ kính yêu cũng đã đi xa, nhưng những giá trị lớn lao của bản Tuyên ngôn độc lập mùa Thu năm ấy thì mãi mãi trường tồn, đó là bản hùng ca bất diệt, một áng văn mẫu mực không thể phai mờ.

Những phân tích trên đây giúp cho chúng ta nhiều bài học quý báu nhưng trước hết là bài học về soạn thảo văn bản, nhất là các văn kiện đại hội đảng thì phải có sự nghiên cứu, tìm hiểu, chuẩn bị công phu về nhiều mặt để có được văn bản chuẩn mực, ngắn gọn, dễ hiểu, thể hiện tầm nhìn xa, trông rộng, đưa ra được những chủ trương, đường lối đúng đắn để lãnh đạo thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị trong từng thời kỳ cách mạng ở từng địa phương, đơn vị và trên phạm vi cả nước ./.
 

Tác giả bài viết: TS.Thân Minh Quế

Nguồn tin: Tạp chí Lịch sử đảng tháng 5/2016

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://thanminhque.name.vn là vi phạm bản quyền

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Giới thiệu...

PGS. TS. Thân Minh Quế - Tỉnh ủy viên, Bí thư Đảng ủy Các Cơ quan tỉnh Bắc Giang.

Ca khúc: Người lái đò trên dòng đời
Thống kê
  • Đang truy cập87
  • Máy chủ tìm kiếm80
  • Khách viếng thăm7
  • Hôm nay14,183
  • Tháng hiện tại499,980
  • Tổng lượt truy cập15,112,997
ẢNH HOẠT ĐỘNG
Thăm dò ý kiến

Bạn biết đến Website này từ nguồn thông tin nào?

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây