GIÁO DỤC LÝ LUẬN CHÍNH TRỊ THEO TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH

Thứ tư - 09/01/2019 05:47
 

GIÁO DỤC LÝ LUẬN CHÍNH TRỊ THEO TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH

                           
                     TS. Thân Minh Quế
(Bài đăng trên Tạp chí Tuyên giáo tháng 5/ 2016)
 
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng khẳng định: Lý luận là sự tổng kết những kinh nghiệm của loài người, là sự tổng hợp những tri thức về tự nhiên, xã hội tích lũy lại trong quá trình lịch sử. “Lý luận như kim chỉ nam, nó chỉ phương hướng cho chúng ta trong công tác thực tế”(1), “Thực tiễn mà không có lý luận hướng dẫn thì thành thực tiễn mù quáng. Lý luận mà không có liên hệ với thực tiễn là lý luận suông” (2). Vì thế, công tác giáo dục lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên luôn là nhiệm vụ quan trọng của Đảng trong các thời kỳ cách mạng.
Theo Hồ Chí Minh, giáo dục lý luận chính trị giúp nâng cao đạo đức cách mạng cho cán bộ đảng viên và quần chúng nhân dân, thống nhất về tư tưởng, ý chí, phẩm chất cách mạng và năng lực hoạt động thực tiễn của họ, hướng dẫn họ vận dụng những hiểu biết ấy vào cuộc sống. Chính vì vậy nội dung của công tác giáo dục lý luận chính trị rất rộng, bao gồm việc giáo dục những nguyên lý của chủ nghĩa Mác - Lênin, đường lối quan điểm của Đảng về các lĩnh vực của đời sống xã hội, lịch sử Đảng, xây dựng Đảng, những kinh nghiệm thành công cũng như thất bại của các nước.
Từ rất sớm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thấy được vai trò của công tác giáo dục lý luận chính trị và vai trò của người giảng cũng như người học. Người chỉ rõ: Phải bồi dưỡng giảng viên lý luận cho các chi bộ. Tất cả các đảng viên phải cố gắng học tập, coi việc học tập lý luận chính trị là nhiệm vụ quan trọng của mình (3). Trong tác phẩm "Đường Kách mệnh" (1927), Người viết: "Đảng muốn vững thì phải có chủ nghĩa làm cốt, trong Đảng ai cũng phải hiểu, ai cũng phải theo chủ nghĩa ấy. Đảng mà không có chủ nghĩa cũng như người không có trí khôn, tàu không có bàn chỉ Nam” (4)
Trong bài diễn văn khai mạc lớp lý luận khóa I Trường Nguyễn Ái Quốc, Người căn dặn: “Việc học tập lý luận chính trị không phải nhằm biến các đồng chí thành những người lý luận suông mà nhằm làm thế nào cho công tác của các đồng chí được tốt hơn, nghĩa là các đồng chí phải học tập tinh thần của chủ nghĩa Mác-Lênin để áp dụng lập trường, quan điểm và phương pháp ấy mà giải quyết cho tốt những vấn đề thực tế trong cách mạng của chúng ta. Như thế học tập lý luận cốt để áp dụng vào thực tế”. Có lý luận nhưng phải đưa lý luận chính trị đó vào thực tiễn để kiểm nghiệm thực tế. Người cán bộ giảng dạy công tác lý luận chính trị đòi hỏi phải có một nền tảng lý luận và vốn thực tiễn phong phú để kiểm nghiệm lý luận và nâng nhận thức lý luận lên một tầm cao mới và có như thế thì người giảng viên mới có thể thực hiện mục tiêu giáo dục lý luận cho học viên: “Mục đích học để vận dụng chứ không phải học vì lý luận, hoặc vì tạo cho mình một cái vốn lý luận để sau này đưa ra mặc cả với Đảng” (5)
Theo Người, mục đích của giáo dục và học tập lý luận chính trị gồm:
Thứ nhất, học để sửa chữa tư tưởng: Người viết: "Phải ra sức tẩy sạch ảnh hưởng giáo dục nô dịch của thực dân còn sót lại như: Thái độ thờ ơ đối với xã hội, xa rời đời sống lao động và đấu tranh của nhân dân, học để lấy bằng cấp, dạy theo lối nhồi sọ. Và cần xây dựng tư tưởng dạy và học để phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân” (6) Khi con người có tư tưởng đúng thì hành động mới khỏi sai lạc.
Thứ hai, học để tu dưỡng đạo đức cách mạng: Đạo đức cách mạng là một đức tính không thể thiếu của mỗi người cách mạng. Có đạo đức cách mạng thì mới dám hy sinh, tận tụy với cách mạng, mới lãnh đạo được quần chúng.
Thứ ba, học để tin tưởng: Có kiến thức về lý luận chính trị, người cách mạng càng tin vào đoàn thể, tin vào nhân dân, vào tương lai của dân tộc… Để khi ra thực hành mới hăng hái, lúc gặp khó khăn mới kiên quyết, mới dám hy sinh
Thứ tư, học để hành: Người nhấn mạnh: "Học phải suy nghĩ, học phải liên hệ với thực tế, phải có thí nghiệm và thực hành. Học với hành phải kết hợp với nhau” (7) Học mà không hành thì học vô ích, hành mà không học thì hành cũng không trôi chảy
Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác giáo dục lý luận chính trị; cán bộ, giảng viên và học viên trong hệ thống các cơ sở giáo dục lý luận chính trị hiện nay có thể rút ra những bài học bổ ích để nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng, đó là:
Đối với người quản lý, tổ chức lớp học
Thứ nhất, mở lớp có kế hoạch, lựa chọn giảng viên phù hợp với yêu cầu đào tạo, bồi dưỡng. Muốn giảng dạy lý luận chính trị có chất lượng thì trước hết phải có tổ chức, quản lý sâu sát tỷ mỷ và chu đáo. Hồ Chí Minh chỉ ra một khuyết điểm cần sữa chữa ngay trong việc mở lớp, đó là “tham làm nhiều mà không chu đáo” (8). Người căn dặn: Chúng ta mở lớp nào phải cho ra lớp nấy, lựa chọn người dạy và người học cho cẩn thận, đừng mở lớp lung tung” (9). Vì mở nhiều lớp sẽ dẫn tới tình trạng thiếu giảng viên. Nếu lớp đông sẽ có sự chênh lệch lớn về trình độ của người học, nên nhận biết của họ không đều. Do vậy, khi mở lớp phải tính toán kỹ các điều kiện để tổ chức lớp, không mở lớp tràn lan. Chương trình học phải có tính hệ thống theo từng mức độ từ thấp đến cao, từ dễ đến khó, từ đơn giản đến phức tạp. Thời gian học hợp lý, nội dung học có sự kết nối logic, mạch lạc với nhau. Mặt bằng về trình độ nhận thức của đối tượng người học các lớp lý luận chính trị hiện nay cũng khác nhau do vậy cần phân loại để có chương trình đào tạo, bồi dưỡng cho phù hợp, chẳng hạn những người đã có trình độ đại học trở lên cần rút ngắn thời lượng thuyết trình, tăng thời gian nghiên cứu, trao đổi, thảo luận làm rõ rõ những vấn đề thực tiễn đặt ra, những tình huống phức tạp ở cơ sở.
Lựa chọn giảng viên là việc rất quan trọng. Một mặt, người giảng viên phải là người có trình độ, nắm vững kiến thức chuyên môn; mặt khác, người giảng viên phải làm kiểu mẫu về các mặt: Tư tưởng, đạo đức, tác phong làm việc...
Thứ 2, chuẩn bị tốt các phương tiện, trang thiết bị, cơ sở vật chất phục vụ giảng dạy và học tập của đội ngũ giảng viên và học viên.
Đương nhiên ai cũng hiểu nhân tố con người (người giảng viên và người học) sẽ có tính quyết định đến chất lượng giáo dục lý luận chính trị nhưng hiệu quả giáo dục lý luận chính trị còn phụ thuộc vào phương tiện, trang thiết bị, cơ sở vật chất kỹ thuật trực tiếp phục vụ cho việc dạy và học. Về các loại giáo trình, Hồ Chí Minh chỉ rõ: “ Trước hết phải lấy những tài liệu về chủ nghĩa Mác - Lênin làm gốc. Nhưng tài liệu phải được lựa chọn, xếp đặt lại, vì trình độ người học không đều nhau, cần có tài liệu thích hợp với từng hạng. Tài liệu không thích hợp thì học không có ích lợi gì” (10). Ngoài những tài liệu có sẵn như trên, còn nên chủ động ghi chép, lưu giữ những tình huống, câu chuyện, bài học của học viên trong quá trình trao đổi lên lớp để xuất bản thành những cuốn tài liệu, cẩm nang phục vụ việc học cho các lớp sau.
Cùng với giáo trình, phương tiện thì các cơ sở làm nhiệm vụ giáo dục lý luận chính trị cần phải tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ dạy và học như phòng học, loa đài, tăng âm, bàn ghế, máy chiếu ... Nếu không có nó thì cả người dạy và người học sẽ rất khó khăn, việc áp dụng những phương pháp giảng dạy tích cực cũng khó có thể thực hiện được.
Đối với giảng viên
Thứ nhất, không ngừng nâng cao kiến thức, trình độ
Điều kiện có ý nghĩa quyết định hiệu quả công tác giáo dục lý luận chính trị là đội ngũ và chất lượng giảng viên làm công tác đào tạo, bồi dưỡng. Người đã nhắc nhở: “Phải lựa chọn rất cẩn thận những nhân viên phụ trách việc huấn luyện đó” (11). Về vấn đề này, Nghị quyết số 32-NQ/TW ngày 26/5/2014 của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ lãnh đạo, quản lý chỉ rõ một nhiệm vụ, giải pháp quan trọng trong tình hình hiện nay là “Xây dựng đội ngũ giảng viên có chất lượng, có kiến thức chuyên sâu và kinh nghiệm hoạt động thực tiễn, có phương pháp giảng dạy phù hợp và tâm huyết với nghề”.
Thực vậy, muốn nâng cao chất lượng giáo dục lý luận, trước tiên người giảng viên phải nắm vững kiến thức, xác định đúng nội dung trọng tâm, trọng điểm; có như vậy mới khắc phục được tình trạng phiến diện, nhìn nhận vấn đề một cách hời hợt. Đồng thời, giảng viên cần hiểu rõ và nắm chắc khả năng nhận thức của người học, nhu cầu kiến thức với chức trách, vị trí công tác mà họ đang đảm nhiệm.
Do nhiệm vụ của mình là giảng dạy, truyền đạt kiến thức cho đội ngũ cán bộ, công chức đang làm việc trong các cơ quan nhà nước nên một yêu cầu quan trọng là người giảng viên phải không ngừng học tập, có thái độ cầu thị, ham học hỏi để làm giàu trí tuệ của mình. Nếu không bổ sung cho mình kiến thức mới thì những lý luận đưa ra sẽ trở nên lạc hậu, xơ cứng, không phản ánh thực tiễn sinh động, làm cho việc dạy và học không có hiệu quả. Việc trau dồi thêm kiến thức có thể qua sách vở, tài liệu, qua trao đổi với đồng nghiệp, đặc biệt là những kinh nghiệm quý báu, phong phú của quần chúng, của cán bộ, đảng viên ở từng địa phương.
Thứ hai, giảng dạy phải gắn lý luận với thực tế
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng viết: “Lý luận cũng như cái tên (hoặc viên đạn). Thực hành cũng như cái đích để bắn. Có tên mà không bắn, hoặc bắn lung tung, cũng như không có tên” (12). Bởi vậy trong quá trình giảng dạy phải gắn lý luận với thực tế, làm phong phú lý luận bằng những kết luận mới rút ra từ thực tiễn cuộc sống.
Người giảng phải biết kết hợp chặt chẽ giữa chủ trương chính sách của Đảng với tình hình thực tế. Có như thế, giảng dạy lý luận mới sinh động, tránh khỏi khô khan, lý luận suông. Trong quá trình giảng dạy phải chỉ cho người học cả kỹ năng tiếp cận và phương pháp thực hành để vận dụng lý luận đó vào cuộc sống và thực tế công tác của họ. Trong những giờ giảng, nên tăng cường đưa ra những tình huống thực tế có thể phát sinh trong quá trình công tác của học viên để cùng trao đổi, thảo luận giải quyết sao cho “thấu tình, đạt lý”. Một mặt, việc cùng trao đổi sẽ kích thích tư duy của học viên. Mặt khác, lý thuyết gắn liền với thực tế sẽ giúp học viên nhớ lâu, có thể ứng dụng vào thực tiễn công tác của mình
Thứ ba, khơi dậy tính tích cực của người học, tổng kết những kinh nghiệm thực tế từ người học.
Giảng viên là người truyền đạt kiến thức, định hướng thông tin cho người học do đó người giảng viên phải có sự đầu tư và chuẩn bị thật chu đáo từ khâu soạn giáo án, thực hiện bài giảng, xêmina, phải không ngừng cập nhật, bổ sung kiến thức về lý luận cũng như thực tiễn để bài giảng sinh động và có sức thuyết phục. Đồng thời trong khi giảng dạy phải khơi dậy tính tích cực của người học, cùng trao đổi những kinh nghiệm công tác, từ đó gom lại thành bài học quý. Học viên công tác ở các lĩnh vực khác nhau đều có những bài học kinh nghiệm bổ ích, nếu cùng đưa ra trao đổi sẽ tìm ra cách giải quyết hợp lý, là “cẩm nang quý báu” cho các đồng chí khác. Tạo sự thu hút cho học viên trong giờ học là vô cùng quan trọng, bởi lẽ nó sẽ giải quyết được tình trạng học viên thụ động, đến lớp chỉ “ghi, chép” mà không tư duy, động não. Người giảng có vai trò định hướng kiến thức, học viên cùng tham gia để làm sáng tỏ, hiểu sâu, hiểu kỹ vấn đề; như vậy người thầy cũng có thể lĩnh hội thêm nhiều kiến thức mới, người học hào hứng với những vấn đề đặt ra.
Đối với học viên
Thứ nhất, xác định đúng động cơ, mục đích học tập
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giúp mỗi người chúng ta xác định rõ mục đích của việc học tập: “Học để làm việc, làm người, làm cán bộ. Học để phụng sự Đoàn thể, giai cấp và nhân dân, Tổ quốc và nhân loại”(13). Người nhắc nhở: “Tất cả những động cơ học tập không đúng đắn đều phải tẩy trừ cho sạch”(14)
Trên thực tế,  đại đa số các học viên học các lớp lý luận chính trị đều vừa học, vừa làm việc ở các cơ quan nên dễ bị phân tâm, thiếu tập trung trong quá trình học tập, dẫn đến tình trạng sao nhãng việc ghi chép bài; đi học lại tranh thủ mang tài liệu ở cơ quan tới lớp xử lý, hoặc thường xuyên nghe điện thoại xử lý công việc, nói chuyện riêng hoặc làm nhiều việc riêng khác nên chất lượng học tập không cao, tiếp thu không được nhiều kiến thức. Có nhiều nguyên nhân, song nguyên nhân chính la chưa xác ddingj được đúng động cơ, mục đích học tập. Vì thế học viên phải xác định học tập là một nhiệm vụ cần thiết,  vừa là nghĩa vụ vừa là quyền lợi, trong giờ học phải chú ý nghe giảng, ghi chép bài đầy đủ, vì mỗi lần ghi là một lần học, việc các cơ sở giáo dục phát và chấm vở ghi cũng là điều kiện cần thiết; học thì phải ghi chép, mỗi lần ghi là một lần nhớ, hiểu biết sẽ nâng lên, khi cần thì xem lại, tránh tư tưởng học đối phó chỉ để lấy bằng cấp, để “giữ ghế”, thăng chức, nâng ngạch lương...
Thứ hai, chủ động, tích cực trong học tập, có phương pháp học tập đúng
Hồ Chí Minh đề cao vấn đề tự học trong công tác giáo dục lý luận chính trị. Người học phải biết tự động học tập, người học phải chú ý học “tinh thần của chủ nghĩa Mác - Lê nin, học lập trường, quan điểm và phương pháp”, tránh “học để thuộc lòng từng câu từng chữ”, rơi vào chủ nghĩa giáo điều, kinh viện.
Để việc học tập đạt hiệu quả, học viên phải tìm hiểu kỹ nội dung thông qua giáo trình, tài liệu tham khảo có liên quan. Khi đọc tài liệu phải đào sâu hiểu kỹ, chủ động tham khảo ý kiến giảng viên khi gặp vấn đề chưa hiểu rõ. Trong quá trình trao đổi trên lớp, học viên tích cực đóng góp ý kiến xây dựng, chia sẻ kinh nghiệm để làm sáng tỏ vấn đề, thông qua đó cũng làm giàu thêm tri thức cho các đồng chí trong lớp.
Quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác giáo dục lý luận chính trị, trong quá trình lãnh đạo cách mạng Đảng ta luôn chú trọng đến mặt công tác này. Từ khi Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI (1986) của Đảng đến nay các Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng và các Hội nghị của Ban Chấp hành Trung ương đều đặt ra yêu cầu mới đối với công tác lý luận. Đảng ta đã có những nghị quyết chuyên đề về công tác tư tưởng, lý luận, như: Nghị quyết 01 - NQ/TW ngày 28/3/1992 của Bộ Chính trị khóa VII "Về công tác lý luận trong giai đoạn hiện nay" và Nghị quyết 16 - NQ/TW ngày 18/3/2002 của Ban Chấp hành Trung ương khóa IX (Hội nghị Trung ương 5) "Về nhiệm vụ chủ yếu của công tác tư tưởng, lý luận trong tình hìmh mới" . Việc thực hiện các nghị quyết chuyên đề này đã đem lại hiệu quả thiết thực.  Tuy vậy công tác tư tưởng, lý luận nói chung và công tác giáo dục lý luận nói riêng vẫn còn bộc lộ nhiều mặt yếu kém, bất cập, chưa theo kịp sự phát triển của thực tiễn và yêu cầu của cách mạng.
Báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI về các văn kiện Đại hội XII của Đảng do đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trình bày ngày 21/01/2016 về vấn đề xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, nhấn mạnh vấn đề “Đổi mới công tác tư tưởng, lý luận, nâng cao hơn nữa tính chiến đấu, tính thuyết phục, hiệu quả của công tác tư tưởng phục vụ yêu cầu thực hiện nhiệm vụ chính trị, phù hợp với từng giai đoạn, tạo sự thống nhất cao trong Đảng, đồng thuận trong xã hội; đẩy mạnh tuyên truyền, học tập chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước phù hợp với từng đối tượng theo hướng cụ thể, thiết thực, hiệu quả” (15)
Để thực hiện tốt nhiệm vụ này, thiết nghĩ trong thời gian tới chúng ta cần tiếp tục quán triệt tư tưởng, phương châm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác giáo dục chính trị. Các cấp ủy cần phân tích, đánh giá đúng thực trạng tình hình công tác giáo dục lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên ở cơ quan, đơn vị mình, từ đó có chủ trương, biện pháp hợp lý, kịp thời nhằm tăng cường mặt công tác này để đạt được chất lượng hiệu quả tốt hơn. Đồng thời gắn công tác giáo dục lý luận chính trị với việc đẩy mạnh “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, kịp thời ngăn chặn, đấu tranh khắc phục những biểu hiện suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ trong đội ngũ cán bộ, đảng viên.
Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn vàn kính yêu của chúng ta đã đi xa, nhưng tư tưởng của Người về công tác giáo dục lý luận chính trị đã trở thành nền tảng, kim chỉ Nam cho hoạt động dạy và học trong toàn bộ hệ thống giáo dục lý luận chính trị của đất nước. Tư tưởng của Người sẽ mãi soi sáng con đường chúng ta đi. Nếu mỗi cán bộ, đảng viên chúng ta thấm nhuần tư tưởng đó, vận dụng tư tưởng đó một cách tích cực chắc chắn chúng ta sẽ thành công hơn nhiều./.
                 
                Chú thích:
  1. Hồ Chí Minh,  Toàn tập, Nxb Quốc gia - Sự thật, 2011, tập 5, tr.273
  2. Hồ Chí Minh,  Toàn tập, Nxb Quốc gia - Sự thật, 2011,  tập 11, tr.95
  3. Hồ Chí Minh,  Toàn tập, Nxb Quốc gia - Sự thật, 2011,  tập 15, tr.117
  4. Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Quốc gia - Sự thật, 2011, tập 2, trang 289
  5. Hồ Chí Minh,  Toàn tập, Nxb Quốc gia - Sự thật, 2011,  tập 11, tr.95
  6. Hồ Chí Minh,  Toàn tập, Nxb Quốc gia - Sự thật, 2011, tập 10, tr.185
  7. Hồ Chí Minh,  Toàn tập, Nxb Quốc gia - Sự thật, 2011,  tập 14, tr.402
  8. Hồ Chí Minh,  Toàn tập, Nxb Quốc gia - Sự thật, 2011, tập 6, tr.362
  9. Hồ Chí Minh,  Toàn tập, Nxb Quốc gia - Sự thật, 2011, tập 6, tr.363
  10. Hồ Chí Minh,  Toàn tập, Nxb Quốc gia - Sự thật, 2011, tập 6, tr.359
  11. Hồ Chí Minh,  Toàn tập, Nxb Quốc gia - Sự thật, 2011, tập 5, tr.313
  12. Hồ Chí Minh,  Toàn tập, Nxb Quốc gia - Sự thật, 2011, tập 5, tr.275
  13. Hồ Chí Minh,  Toàn tập, Nxb Quốc gia - Sự thật, 2011),  tập 6, tr.IX
  14. Hồ Chí Minh,  Toàn tập, Nxb Quốc gia - Sự thật ,2011,  tập 11, tr.95
15. Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội-2016, trang 46.
 

Tác giả bài viết: TS. Thân Minh Quế

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://thanminhque.name.vn là vi phạm bản quyền

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Giới thiệu...

PGS. TS. Thân Minh Quế - Tỉnh ủy viên, Bí thư Đảng ủy Các Cơ quan tỉnh Bắc Giang.

Ca khúc: Người lái đò trên dòng đời
Thống kê
  • Đang truy cập89
  • Máy chủ tìm kiếm81
  • Khách viếng thăm8
  • Hôm nay15,903
  • Tháng hiện tại501,700
  • Tổng lượt truy cập15,114,717
ẢNH HOẠT ĐỘNG
Thăm dò ý kiến

Bạn biết đến Website này từ nguồn thông tin nào?

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây