VẤN ĐỀ GIÁO DỤC ĐẠO ĐỨC VÀ NẾP SỐNG VĂN HÓA GIA ĐÌNH

Thứ ba - 17/01/2017 08:13
Mỗi con người chúng ta, ai cũng sinh ra và lớn lên từ gia đình và cần phải có gia đình. Gia đình (Family) là cái nôi, nơi đầu tiên nuôi dưỡng, giáo dục con người, đem lại các giá trị hạnh phúc. Nhân cách của con người được hình thành phát triển trước hết từ mỗi gia đình, sau đó mới kể đến yếu tố xã hội. Gia đình là tổ ấm, là nơi đi và cái đích trở về của mỗi người sau những nỗi lo toan, nhọc nhằn của cuộc sống, sau khi thực hiện những công việc phải làm.  Không ở đâu những con người lại sống với nhau bằng tình cảm chân thực và yêu thương nhau như trong gia đình. Vì vậy gia đình luôn là đề tài hấp dẫn, được hết thảy mọi người quan tâm.

                           

Theo Từ  điển Tiếng Việt, gia đình là: "Tập hợp những người sống chung thành một đơn vị nhỏ nhất trong xã hội, gắn bó với nhau bởi quan hệ hôn nhân và dòng máu, thường có vợ chồng, cha mẹ và con cái”[1]. Từ  điển Chủ nghĩa Cộng sản khoa học nêu: “Gia đình là một hình thức cộng đồng những người gắn bó với nhau bằng quan hệ hôn nhân và máu mủ”[2]. Trong tác phẩm “Hệ tư tưởng Đức”, C.Mác và Ph.Ăngghen - những lãnh tụ của giai cấp vô sản thế giới đã nêu khái niệm: “Hằng ngày tái tạo ra đời sống của bản thân mình, con người bắt đầu tạo ra những người khác, sinh sôi nảy nở - đó là quan hệ giữa chồng và vợ, cha mẹ và con cái. Đó là gia đình[3]. Đào Duy Anh - Nhà sử học, ngôn ngữ học, từ điển học Việt Nam giải thích: “Gia tộc Việt Nam xưa nay có hai bậc, một là nhà, hay tiểu gia đình, gồm vợ chồng cha mẹ và con cái, hai là họ, hay là đại gia đình, gồm cả đàn ông đàn bà cùng một ông tổ sinh ra, kể cả người chết và người sống”.[4] Như thế, đứng trên từng phương diện khác nhau, người ta có những cách định nghĩa về gia đình khác nhau. Song ta có thể hiểu một cách chung nhất: Gia đình là tế bào của xã hội, là một đơn vị nhỏ nhất của xã hội, là đơn vị xã hội đầu tiên, trong đó con người gắn bó với nhau bởi những mối quan hệ hôn nhân và huyết thống, gắn bó với nhau bằng các quan hệ tình cảm, trách nhiệm, nuôi dưỡng và giáo dục.
Trong tiến trình lịch sử của loài người, gia đình giữ vị trí rất quan trọng đối với sự tồn tại của mỗi cá nhân và của toàn xã hội. Gia đình được hình thành, tồn tại và phát triển, vì nó có sứ mệnh đảm đương những chức năng đặc biệt từ tự nhiên và xã hội giao cho mà không một thiết chế xã hội nào có thể thay thế được. Các chức năng đó là: Chức năng tái sản xuất ra con người; chức năng nuôi dưỡng và giáo dục; chức năng kinh tế; chức năng tổ chức đời sống và chức năng đáp ứng nhu cầu tâm - sinh lý, tình cảm của các thành viên trong gia đình.
 Trong tác phẩm “Nguồn gốc của gia đình, của chế độ tư hữu và của nhà nước” viết năm 1884, Ăngghen đã tập trung đã làm rõ nhiều vấn đề quan trọng về gia đình và sự phát triển của gia đình. Theo Ông, các mô hình gia đình trong lịch sử luôn gắn với phương thức sản xuất và chế độ xã hội nhất định. Sự vận động, biến đổi của gia đình phụ thuộc vào sự vận động và biến đổi của xã hội. Gia đình “là sản vật của một chế độ xã hội nhất định, hình thức đó sẽ phản ánh trạng thái phát triển của chế độ xã hội đó”. Ăngghen cũng vạch rõ nguồn gốc phát triển của các hình thức gia đình trong lịch sử là do sự tác động của quy luật đào thải tự nhiên và do sự phát triển của những điều kiện kinh tế - xã hội, sự phát triển của tâm lý, đạo đức, tình cảm của con người, trong đó sự phát triển của các điều kiện kinh tế - xã hội là yếu tố quyết định. Những điều kiện kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ lịch sử nhất định có tác dụng quyết định đến hình thức tổ chức và kết cấu của gia đình. Chế độ gia đình hoàn toàn bị quan hệ sở hữu chi phối. Ngược lại, gia đình và trình độ phát triển của gia đình cũng có tác động rất quan trọng đối với sự tồn tại và phát triển của xã hội, ảnh hưởng trực tiếp đến việc tái tạo ra bản thân con người để bảo vệ nòi giống cũng như tái tạo ra sức lao động cho sản xuất xã hội.
Qua khảo cứu lịch sử, Ăngghen nhận thấy, trong thời kỳ đầu tiên của lịch sử nhân loại đã từng tồn tại những hình thức khác nhau của chế độ quần hôn, sau đó xuất hiện hôn nhân đối ngẫu, kết hợp những đôi riêng lẻ trong một thời kỳ nhất định. Cuối cùng, chế độ hôn nhân một vợ, một chồng xuất hiện và đó là một trong những dấu hiệu của buổi đầu thời đại văn minh. Gia đình một vợ, một chồng được hình thành chủ yếu do sự phát triển của lực lượng sản xuất làm nảy sinh chế độ tư hữu và sự phân chia giai cấp trong xã hội. Hình thức này được duy trì cho đến ngày nay và sẽ ngày càng hoàn thiện hơn khi xuất hiện chế độ sở hữu công cộng về tư liệu sản xuất. Theo tiến trình lịch sử, xã hội loài người đã hình thành và trải qua: Gia đình mẫu hệ, gia đình cùng huyết thống, gia đình đối ngẫu, gia đình cá thể, gia đình phụ quyền, gia đình tư sản, gia đình cộng sản. 
Cũng như các tộc người và các dân tộc khác, người Việt từ xưa đã chung sống thành gia đình. Gia đình theo kiểu truyền thống của người Việt gồm những người sống chung trong một mái nhà có quan hệ hôn nhân và huyết thống. Gia đình truyền thống ở Việt Nam mang đậm bản sắc dân tộc, có những giá trị nhân văn riêng biệt. Các thành viên trong gia đình gắn bó với nhau hết sức bền chặt, nghĩa nặng tình sâu. Theo quy mô, gia đình truyền thống người Việt gồm hai kiểu: Gia đình lớn, từ 3 thế hệ trở lên và gia đình nhỏ có một hoặc hai thế hệ. “Theo dòng hệ, Việt Nam có ba kiểu gia đình: Gia đình mẫu hệ, gia đình phụ hệ và gia đình song hệ” [5]. Gia đình truyền thống người Việt coi trọng tộc trưởng và gia trưởng: Người chồng trị vì, người vợ cai quản. Theo nguyên lý, thì trong chế độ phụ quyền, người gia trưởng có quyền uy tuyệt đối ở trong nhà: Gia trưởng có quyền sở hữu và quản lý tài sản của gia đình, có quyền sở hữu đối với vợ con và có thể bắt đi làm thuê hay đem bán đi được; có quyền độc đoán về việc hôn nhân của con cái và nhiều quyền khác. Tộc trưởng là người đứng đầu một dòng họ, có trách nhiệm thờ phụng tổ tiên, quyết định việc hôn nhân, việc tang ma của cả dòng họ. Như vậy gia đình người Việt là tiểu gia đình phụ quyền với các chức năng cơ bản: Kinh tế tự chủ, tái sản xuất sức lao động, bảo tồn nòi giống, thờ cúng, nuôi dưỡng, giáo dục, trao truyền các giá trị văn hóa của dân tộc, cân bằng tâm sinh lý và tình cảm.
Hiện nay, dưới tác động nền kinh tế thị trường, của quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá, toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, gia đình Việt Nam đang có những biến đổi về giá trị văn hóa truyền thống, thể hiện chủ yếu ở mấy điểm sau:
Thứ nhất, Trước đây, trong một gia đình thường có sự xuất hiện của ông bà, bố mẹ, con cái, theo kiểu "Tam đại đồng đường" hay "Tứ đại đồng đường", điều đó là chuyện rất bình thường ở mỗi ngôi nhà Việt. Điều kiện khó khăn, việc thoát ly ra khỏi tổ ấm dường như rất ít, con cái lớn lên, cưới vợ gả chồng rồi sinh con vẫn cố gắng để ở bên, phụng dưỡng cha mẹ. Ngược lại, việc sống cùng người già giúp các cặp vợ chồng trẻ giữ được nền nếp, thói quen, gia phong của gia đình, đồng thời biết  lễ nghĩa, kính trên, nhường dưới. Ngày nay, những cặp vợ chồng trẻ thường thích sự tự do, muốn thể hiện được cái tôi và khả năng độc lập cao, có điều kiện kinh tế. Những lý do đó khiến nhiều người quyết định sống riêng, gây dựng một gia đình nhỏ chỉ có hai thế hệ. Không những thế, người phụ nữ ngày càng bình đẳng, không chấp nhận hy sinh nên không muốn sống cảnh "làm dâu" tại nhà chồng. Vì thế họ lựa chọn việc "ra ở riêng". Cùng với đó là sự mất dần ngôi nhà truyền thống của người Việt, rất nhiều gia đình cả ở thành thị và nông thôn hiện nay đã làm theo kiến trúc phương Tây, ngôi nhà hiện đại bao gồm nhiều phòng riêng biệt. Điều này đã làm mờ dần đi mối quan hệ tình cảm gần gũi, sự quan tâm, chia sẻ giữa các thành viên trong gia đình.
Thứ hai, gia đình Việt Nam truyền thống có chức năng quan trọng đó là cái nôi nuôi dưỡng, hình thành nhân cách, lý tưởng sống, ứng xử cho con cái, nhưng trong gia đình Việt Nam hiện nay chức năng đó đang dần bị nhạt phai. Trong xã hội đương đại, quan niệm sống, sự tiếp nhận những giá trị văn hóa mới, đặc biệt là sự giáo dục về nhân cách, lối sống cho con cái trong gia đình người Việt đã và đang dần bị thay đổi. Nhiều người trẻ tuổi cho rằng những giá trị truyền thống là cổ hủ, lỗi thời. Những phong tục đẹp trong ngày tết cổ truyền của gia đình Việt Nam cũng bị xem nhẹ. Sự biến đổi từ mô hình gia đình truyền thống sang kiểu gia đình hiện đại mang tính dân chủ, xã hội Việt Nam đang phải đối diện với những hiện tượng như bạo lực gia đình và trường học, ly hôn, sống thử,…Trong gia đình Việt Nam truyền thống, bữa cơm gia đình là một hình ảnh điển hình nhất, thể hiện tính cộng đồng, sự gắn kết giữa các thành viên; khi đói kém, nhiều nhà chỉ ăn một bữa cơm, bữa cháo, nhưng tất cả các thành viên đều có mặt đông đủ, để chia sẻ và gặp mặt nhau sau một ngày làm việc. Nhiều người lớn tuổi chưa quên được cảnh một gia đình thôn quê khoảng nhá nhem tối, trải chiếu ra ngoài hiên, quây quần bên mâm cơm, trò chuyện và tận hưởng không gian thoáng đãng cuối ngày. Cuộc sống của một gia đình hiện đại ngày nay là sáng đưa con đến lớp, bố mẹ đi làm, chiều về đón con, giao lưu, hội họp, làm thêm giờ, học thêm liên miên, những bữa cơm gia đình dần thưa vắng. Hình ảnh cả gia đình ngồi vui vẻ quanh mâm cơm đã trở nên hiếm hoi; bữa cơm tối duy nhất của cả nhà đôi khi cũng không có mặt đông đủ các thành viên. Khi thì bố hoặc mẹ bận việc, con đi học hoặc đi làm... Bữa cơm thường được ăn nhanh chóng để mỗi người một việc, chuẩn bị sẵn sàng cho ngày hôm sau, hoặc trong bữa ăn người xem ti vi, người nghe điện thoại nên khoảng thời gian tận hưởng và chia sẻ tâm tình cùng nhau dường như rất ít.
Nhịp sống công nghiệp ngày nay, các cặp vợ chồng trẻ có nhiều sự tự do hơn khi sống riêng. Khi không thích nấu nướng, họ có thể chọn ăn ngoài nhà hàng hoặc gọi đồ ăn về nhà. Với những gia đình chưa có con, chỉ có hai người thì sự thoải mái càng lớn hơn. Đôi khi, căn bếp cả tuần không "đỏ lửa" và các cặp vợ chồng cũng không lấy đó làm lo lắng. Chuyện bếp núc, may vá, giặt giũ trở lên xa lạ với nhiều phụ nữ, mâm cơm cúng tổ tiên ngày giỗ, ngày tết cũng được chuyển hóa “thành tiền”; con cháu ít về thăm bố mẹ, ông bà mà thay vào đó là những thứ quà cũng trị giá bằng tiền. Có ai biết chăng những người già hiện đang cần gì? Nhưng chắc hẳn đối với họ những tình cảm thiết tha và sự trưởng thành của con cháu chính là những món quà có giá nhất.
Thứ ba, lối sống trong các gia đình người Việt đang biến đổi nhanh do các nhu cầu mưu sinh về kinh tế, mọi thành viên trong gia đình đều muốn khẳng định vị trí của mình. Khi sống trong gia đình "tứ đại đồng đường", mọi nền nếp, gia phong đều được người già giữ gìn và duy trì. Những người cao tuổi luôn dùng những câu răn dạy của người xưa để truyền lại con cháu nhằm giữ được gia phong, như: "ăn trông nồi, ngồi trông hướng","giọt máu đào hơn ao nước lã", "sống về mồ về mả, đâu chỉ bằng cả bát cơm"... Chính nhờ có các cụ mà con cháu biết nhìn nhau để sống. Hơn nữa, cuộc sống xưa đơn giản, chưa có sự can thiệp của các công nghệ hiện đại, con người ít có sự lựa chọn.
Dưới tác động của kinh tế thị trường nhiều giá trị đạo đức truyền thống và nếp sống văn hoá gia đình đã có sự vận động và biến đổi phức tạp. Bên cạnh những giá trị đạo đức mới, nếp sống văn hoá gắn liền với quá trình phát triển kinh tế thị trường, đã có những giá trị đạo đức truyền thống, nếp sống văn hoá gia đình truyền thống bị xâm hại và có nguy cơ bị mai một đi. Một số giá trị của gia đình truyền thống bị đảo lộn. Không ít gia đình quá đề cao chức năng kinh tế, đề cao quyền lực vật chất, xem nhẹ quan hệ tình cảm, buông lơi việc giáo dục ý thức trách nhiệm, lối sống lành mạnh cho các thành viên; các thành viên trong gia đình ít được quan tâm, chăm sóc, do đó độ cố kết trong gia đình lỏng lẻo; lối sống thực dụng xuất hiện ngày càng tăng gây nên những mâu thuẫn lớn giữa các thế hệ. Hiện nay, sự du nhập ồ ạt của của các sản phẩm văn hoá nước ngoài, những mặt tiêu cực của nền kinh tế thị trường thời mở cửa đem lại những giá trị văn hoá trái với thuần phong mỹ tục của chúng ta, dẫn đến những hiện tượng xã hội có xu hướng phổ biến như: Tình trạng ly hôn ngày càng tăng, nghiện hút, mại dâm, ngoại tình, nạo phá thai tuỳ tiện…tất cả những thứ đó đang trực tiếp tàn phá mạnh mẽ đời sống kinh tế và đời sống văn hóa, tinh thần của các gia đình. Các mối quan hệ đạo đức truyền thống trong gia đình như: Kính trên nhường dưới, hiếu thảo, thuỷ chung v.v... đã và đang bị xem nhẹ. Những biến đổi văn hóa truyền thống trong gia đình người Việt không chỉ hiện nay mới được những nhà quản lý văn hóa, các nhà nghiên cứu xã hội học, văn hóa học, nhân học quan tâm và lý giải, mà đã được phản ánh trong những tác phẩm văn học cách đây ba chục năm trước, khi chúng ta tiến hành công cuộc đổi mới. Nhà văn Ma Văn Kháng trong tác phẩm Mùa lá rụng trong vườn đã đánh lên hồi chuông luyến tiếc về sự khủng hoảng của gia đình truyền thống. Nguyễn Huy Thiệp với tác phẩm Tướng về hưu đã gây một tiếng sét trong bầu trời đương có vẻ êm ả của văn học, với hình ảnh một vị tướng xuất thân từ nhân dân, suốt đời chiến đấu vì dân, đến lúc về hưu, thấy mình lạc lõng trong gia đình, quê hương mình, trong một xã hội chưa phải xã hội mình thường mơ tưởng. Những nguyên nhân kể trên làm cho hệ giá trị văn hóa truyền thống của gia đình Việt Nam biến đổi, làm cho mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình trở nên hình thức, lỏng lẻo, thậm chí bị xem nhẹ.
Để tồn tại và phát triển, gia đình Việt Nam có sự biến đổi về các giá trị văn hóa truyền thống cũng là là quy luật tất yếu, như C.Mác và Ăngghen đã nêu. Nhưng chúng ta phải nhìn nhận sự biến đổi về các giá trị văn hóa truyền thống ấy trên hai phương diện: Tích cực và tiêu cực. Theo tiến trình của sự nghiệp đổi mới và phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta hiện nay, thiết chế gia đình Việt Nam đang có sự chuyền tiếp từ truyền thống sang hiện đại. Nhưng nhìn chung, nếp sống văn hoá trong gia đình Việt Nam truyền thống vẫn giữ được sự ổn định của nó và được cả cộng đồng xã hội tôn trọng. Sống gắn bó với gia đình trong môi trường văn hoá truyền thống và với những mối quan hệ đạo đức đã trở thành chuẩn mực xã hội vẫn là lối sống được nhiều người tán đồng, khẳng định và coi đó là đạo lý. Thực tiễn của những năm đổi mới, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta vừa qua cho thấy, thông qua việc mở rộng quan hệ với các nước, chúng ta đã tiếp thu được nhiều thành tựu văn minh của nhân loại, làm phong phú thêm nền văn hoá và đời sống tinh thần dân tộc. Nhưng mặt khác, trong quá trình mở cửa, hội nhập, sự xâm nhập của văn hoá và lối sống ngoại lai đã làm cho một số giá trị văn hoá, đạo đức và nếp sống gia đình truyền thống co nguy cơ bị mất dần. Ở một số gia đình đã có những biểu hiện coi nhẹ, thậm chí loại bỏ các giá trị đạo đức và nếp sống gia đình truyền thống, chạy theo những lối sống xa lạ, lai căng kệch cỡm. Đặc biệt, tệ sùng bái nước ngoài, coi thường những giá trị văn hoá dân tộc, chạy theo lối sống thực dụng, cá nhân vị kỷ... đang gây hại đến thuần phong mỹ tục của dân tộc; không ít trường hợp vì đồng tiền mà chà đạp lên tình nghĩa cha con vợ chồng, anh em trong gia đình, quan hệ thầy trò, đồng chí, đồng nghiệp. Vì vậy trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc xã hội chủ nghĩa hiện nay chúng ta phải biết trân trọng kế thừa phát triển những giá trị tốt đẹp, những gì chúng ta coi là thiêng liêng của gia đình truyền thống và đấu tranh, khắc phục, loại bỏ những yếu tố không phù hợp.
 Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: "Rất quan tâm đến gia đình là đúng và nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, xã hội tốt thì gia đình càng tốt, gia đình tốt thì xã hội mới tốt. Hạt nhân của xã hội là gia đình. Chính vì muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội mà phải chú ý đến hạt nhân cho tốt".
Tiếp thu lý luận Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, từ lâu Đảng ta rất quan tâm đến vấn đề gia đình, xây dựng các gia đình văn hóa. Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII của Đảng chỉ rõ: “Xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng tiến bộ và hạnh phúc, làm cho gia đình thực sự là tế bào lành mạnh của xã hội, là tổ ấm của mỗi người. Phát huy trách nhiệm của mỗi người trong việc lưu truyền những giá trị văn hóa dân tộc từ thế hệ này sang thế hệ khác…”. Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII đề ra phương hướng: “Thực hiện chiến lược phát triển gia đình Việt Nam. Phát huy giá trị truyền thống tốt đẹp, xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh”. Đảng, Nhà nước ta đã quyết định chọn ngày 28/6 hằng năm là ngày gia đình Việt Nam và hướng tới mục tiêu xây dựng gia đình Việt Nam "No ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc và phát triển bền vững". Đảng ta đã khẳng định: Chính sách của Nhà nước phải chú ý tới xây dựng gia đình no ấm, hoà thuận, tiến bộ. Nâng cao ý thức về nghĩa vụ gia đình đối với mọi lớp người.
Để thực hiện các quan điểm chủ trương trên của Đảng và Nhà nước ta, khắc phục các xu hướng lệch lạc trong biến đổi đạo đức gia đình truyền thống trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam hiện nay, tác giả xin đề xuất một số giải pháp sau:
Một là: Phải tăng cường công tác tuyên truyền, nhằm không ngừng nâng cao nhận thức của mọi thành viên trong gia đình và xã hội về vị trí vai trò của gia đình và những giá trị tích cực của đạo đức văn hoá gia đình truyền thống trong xây dựng gia đình Việt Nam hiện nay, làm cho mọi người hiểu rõ gia đình là cái tồn tại bền vững trong mọi hình thái kinh tế - xã hội, là một tế bào của xã hội, gia đình phải mãi mãi là cái nôi nuôi dưỡng, bồi dưỡng nhân cách và tâm hồn con người từ nhỏ đến lúc trưởng thành. Gia đình là trường học đầu tiên giáo dưỡng nhân cách và lối sống có văn hoá, có đạo lý cho con người. Gia giáo bao giờ cũng đi trước giáo dục xã hội. Vinh dự và trách nhiệm của gia đình là cung cấp cho xã hội những công dân ưu tú cả về đạo đức lẫn tài năng.
Hai là: Kế thừa và phát huy có chọn lọc những chuẩn mực đạo đức tích cực của gia đình truyền thống và tiếp thu những tiến bộ của gia đình hiện đại trong xây dựng gia đình mới ở Việt Nam hiện nay. Là một tổ ấm tình cảm, gia đình trong kinh tế thị trường và trước sự xâm lấn của thứ văn hoá không lành mạnh, của lối sống ngoại lai. Trong gia đình ấy, mọi thành viên cần phải dựa vào nhau, an ủi, khuyến khích, động viên nhau, sẻ chia với nhau mọi nỗi đau buồn và vui sướng. Gia đình không thể chỉ là một "đơn vị kiếm sống", càng không thể là một "quán trọ" cho những tâm hồn cô đơn và lối sống tạm bợ. Nó cần phải được xây dựng bền vững, trở thành niềm vui và hạnh phúc cho mỗi con người khi mà ở đó, các giá trị đạo đức và lối sống gia đình truyền thống tốt đẹp được bảo tồn và phát huy.
Ba là: Tiếp tục đẩy mạnh phong trào xây dựng gia đình văn hoá, phải cụ thể hoá hơn các tiêu chí để đánh giá khách quan, đúng thực chất các gia đình văn hoá. Việc đánh giá xếp loại gia đình văn hoá phải được gắn chặt chẽ với việc đánh giá xếp loại cơ quan văn hoá; đánh giá tổ chức đảng trong sạch vững mạnh, chính quyền, đoàn thể vững mạnh; đánh giá xếp loại cán bộ, đảng viên hằng năm. Cấp uỷ, chính quyền và các tổ chức đoàn thể ở cấp cơ sở cần đi sâu nắm bắt tình hình cụ thể của từng hộ gia đình, thường xuyên động viên giúp đỡ các gia đình, bảo đảm xây dựng gia đình ấm no, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc và bền vững.
Bốn là: Tăng cường kết hợp vai trò của gia đình, nhà trường và xã hội trong giáo dục đạo đức gia đình truyền thống nhằm giữ gìn và phát huy những đạo lý tốt đẹp của gia đình Việt Nam, nâng cao tinh thần đoàn kết, ý thức cộng đồng gắn kết cá nhân - gia đình - làng xã - Tổ quốc, lòng nhân ái, khoan dung, trọng nghĩa tình, đạo lý, sự tinh tế trong ứng xử, tính giản dị trong lối sống; tiếp thu có chọn lọc những cái hay, cái tiến bộ trong văn hoá các dân tộc đi liền với chống lạc hậu, lỗi thời trong phong tục, tập quán, lề thói cũ. Nêu cao vai trò gương mẫu của các bậc cha mẹ với con cái. Cần chú ý lồng ghép việc giáo dục các giá trị đạo đức truyền thống, nếp sống gia đình văn hoá vào các hoạt động thường ngày của con người, nhất là lớp trẻ, từ học tập lao động đến vui chơi, giải trí. Cùng với đó phải tạo ra một môi trường sống lành mạnh ở gia đình và xã hội.
Năm là cần quan tâm giải quyết tốt các chính sách gia đình, quan tâm đến các gia đình có công với cách mạng, hộ nghèo, gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Trước hết, chúng ta phải giải quyết từng bước các điều kiện tồn tại của gia đình như nhà ở, việc làm, đồng thời xây dựng các quan hệ ứng xử sao cho thích hợp với mọi lứa tuổi, với vai trò và trách nhiệm của mỗi thành viên. Nhớ ơn bố mẹ, kính trọng ông bà, thương yêu con cháu, anh em đùm bọc, vợ chồng hoà thuận là những tình cảm tự nhiên, tốt đẹp, xuất hiện trong xã hội truyền thống cần phải được giữ gìn, củng cố và phát huy mạnh mẽ. Xây dựng gia đình văn hoá mới cần nối tiếp các giá trị văn hoá, đạo đức, nếp sống truyền thống tốt đẹp, đồng thời xây dựng nền nếp gia đình dân chủ, tôn trọng nhau, cùng nhau bàn bạc và quyết định, khắc phục thái độ độc đoán, gia trưởng, bất bình đẳng của các quan hệ gia đình trong xã hội cũ. Chỉ có thế, mỗi chúng ta, mỗi gia đình mới có đủ sự sáng suốt và năng lực để tiếp tục chuyển tiếp các giá trị đạo đức và nếp sống gia đình truyền thống tốt đẹp cho thế hệ mai sau.
Tóm lại, gia đình truyền thống Việt Nam trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội bộc lộ cả những mặt tích cực và mặt hạn chế. Vì vậy, xây dựng gia đình mới cần phải kế thừa những nét đẹp; đồng thời tìm biện pháp để hạn chế và tiến tới khắc phục những hủ tục lạc hậu của gia đình cũ. Mỗi chúng ta và thế hệ con cháu chúng ta ai cũng cần có ý thức, lối sống có văn hoá, quan hệ hài hòa trong gia đình, cộng đồng và xã hội, có năng lực "tự hoàn thiện nhân cách" phải “nêu cao trách nhiệm của mình, làm cho gia đình thực sự là tổ ấm của mình và là tế bào lành mạnh của xã hội". Giáo dục đạo đức và nếp sống văn hoá gia đình truyền thống trong quá trình phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa cần phải được xác định là nhiệm vụ có vị trí chiến lược lâu dài để tập trung thực hiện./.
 
 
[1] Từ điển Tiếng Việt, Nxb Đà Nẵng, Trung tâm Từ điền học 2008, tr478
[2] Từ  điển Chủ nghĩa Cộng sản khoa học, Nxb Sự thật, HN 1986 tr 148
[3] C.Mác và Ph.Ăngghen, toàn tập, tập 3,Nxb chính trị Quốc gia- Sự thật 2002, tr41
[4] Đào Duy Anh, Việt Nam văn hóa sử cương, Nxb Đồng Tháp, 1998. tr.117- 119
[5] Ngô Đức Thịnh (Cb), Bảo tồn, làm giàu & phát huy các giá trị văn hóa truyền thống Việt Nam trong đổi mới và hội nhập, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2010. tr.232

Tác giả bài viết: TS.Thân Minh Quế

Tổng số điểm của bài viết là: 7 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 3.5 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

ẢNH HOẠT ĐỘNG
Thăm dò ý kiến

Bạn biết đến Website này từ nguồn thông tin nào?

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây