Kỷ niệm 150 năm Ngày sinh V.I..Lênin Thực hiện tự phê bình và phê bình trong Đảng theo chỉ dẫn của Lênin

Thứ ba - 02/06/2020 00:30
Tự phê bình và phê bình là một nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt đảng, là công cụ sắc bén, phương pháp hiệu quả nhất để giáo dục, rèn luyện đảng viên và củng cố khối đoàn kết, thống nhất trong Đảng. Về vấn đề này, từ hơn một thế kỷ trước, V.I.Lênin – vị lãnh tụ thiên tài của giai cấp vô sản toàn thế giới đã có những chỉ dẫn mà cho đến ngày nay vẫn còn nguyên giá trị.
Kỷ niệm 150 năm Ngày sinh V.I..Lênin Thực hiện tự phê bình và phê bình trong Đảng theo chỉ dẫn của Lênin

 

 
 

Cập nhật: 06:54 | 22/04/2020
 
Lênin, Bắc Giang, Đảng Cộng sản,

Lênin tại Đại hội 3 Quốc tế Cộng sản tiến hành vào tháng 6 năm 1921. Ảnh tư liệu

Những chỉ dẫn của V.I.Lênin

Ngay từ rất sớm, khi thành lập tổ chức cộng sản quốc tế đầu tiên, những nhà sáng lập chủ nghĩa cộng sản đã cho rằng: Tự phê bình và phê bình là rất cần thiết cho hoạt động và sự phát triển của đảng, là thuộc tính bản chất của một đảng cách mạng. Vì trong quá trình vận động và phát triển, những mâu thuẫn nảy sinh trong nội bộ đảng là khó tránh khỏi nhưng đấu tranh giải quyết những mâu thuẫn đó tuyệt đối không được dùng biện pháp bạo lực, thanh trừng lẫn nhau, loại bỏ lẫn nhau mà phải thực hiện bằng tự phê bình và phê bình. 

Trong thư gửi Bêben (6/1873), Ph.Ăngghen đã chỉ rõ: “Phong trào của giai cấp vô sản không khỏi trải qua những nấc thang phát triển khác nhau; ở mỗi nấc thang có bộ phận người bị kẹt lại, không đi xa hơn”. Như vậy tự phê bình và phê bình là tất yếu khách quan, để tránh những sai lầm trong hoạt động của đảng và để giúp đỡ những người bị kẹt lại, chậm tiến bộ không đi hơn được trong từng nấc thang đó.

V.I.Lênin đã kế thừa và phát triển những quan điểm trên của C.Mác và Ph.Ăngghen, Người coi tự phê bình và phê bình là quy luật bất di bất dịch về sự phát triển của một đảng cách mạng. Người nhấn mạnh: “Tự phê bình là một việc tuyệt đối cần thiết cho hết thảy mọi chính đảng sống và đầy sức sống. Không gì tầm thường bằng chủ nghĩa lạc quan tự mãn”. 

Người còn chỉ rõ: “Tất cả những đảng cách mạng đã bị tiêu vong cho tới nay, đều bị tiêu vong vì tự cao tự đại, vì không biết nhìn rõ cái gì tạo nên sức mạnh của mình, và vì sợ sệt không dám nói lên những nhược điểm của mình. Còn chúng ta, chúng ta sẽ không bị tiêu vong, vì chúng ta không sợ nói lên những nhược điểm của chúng ta, và những nhược điểm đó, chúng ta sẽ học được cách khắc phục”.

V.I. Lênin cũng cho rằng, trong quá trình lãnh đạo, đảng khó tránh khỏi những khuyết điểm, song điều quan trọng là có thái độ đúng đắn với sai lầm của mình hay không. Thái độ của một chính đảng trước những sai lầm khuyết điểm của mình là một trong những tiêu chuẩn quan trọng nhất và chắc chắn nhất để đánh giá đảng ấy có phải là đảng cách mạng hay không. 

Người từng nói: “Công khai thừa nhận sai lầm, tìm ra nguyên nhân sai lầm, phân tích hoàn cảnh đẻ ra sai lầm, nghiên cứu cẩn thận những biện pháp để sửa chữa sai lầm ấy, – đó là dấu hiệu chứng tỏ một đảng nghiêm túc, đó là đảng làm tròn những nghĩa vụ của mình”, “và nếu một chính đảng nào không dám nói thật bệnh tật của mình ra, không dám chẩn đoán bệnh một cách thẳng tay, và tìm phương cứu chữa bệnh đó, thì đảng đó sẽ không xứng đáng được người ta tôn trọng”.

Theo Lênin, cán bộ, đảng viên của đảng cũng là con người, họ“không phải là thiên thần, không phải là thánh, không phải là anh hùng, mà cũng là người như tất cả mọi người khác. Họ cũng có khuyết điểm. Đảng sửa cho họ”. Người viết: “Bất luận thế nào nữa chúng ta cũng phải hết sức cố gắng... Hãy can đảm phơi bày những mụn nhọt của chúng ta để tiến hành chẩn đoán chúng và điều trị chúng một cách đúng đắn, không giả dối, không hình thức giả tạo”.

Lênin còn nhắc nhở rằng: Chính qua việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của đảng, qua hoạt động trong tổ chức của đảng, tắm mình trong phong trào cách mạng sôi nổi của quần chúng và sử dụng tốt vũ khí phê bình và tự phê bình thì người đảng viên mới trưởng thành, được tôi luyện có những phẩm chất cao quý, tốt đẹp. Lênin đòi hỏi trước sai lầm của mình, người cán bộ, đảng viên phải thực hiện tốt tự phê bình: “Người thông minh không phải là không phạm sai lầm... Người nào phạm sai lầm mà không nặng lắm và biết sửa một cách dễ dàng và nhanh chóng, thì người đó là người thông minh”. 

Đối với đảng cũng như các đảng viên, không có thái độ đúng đắn với khuyết điểm của mình thì sẽ dẫn đến vi phạm những khuyết điểm lớn hơn, Lênin đã khẳng định điều đó khi nói: Cứ giữ mãi sai lầm, đi sâu thêm để bào chữa nó, đưa nó đến chỗ tột cùng, thì từ một sai lầm nhỏ, người ta luôn luôn có thể làm cho nó thành một sai lầm lớn ghê gớm, và “nếu chúng ta cho rằng thừa nhận một thất bại cũng giống như từ bỏ một vị trí, sẽ gây ra tâm trạng chán nản và làm nhụt chí đấu tranh, thì phải nói rằng những nhà cách mạng như thế không đáng giá một đồng xu”,“Những sai lầm thường khi lại bổ ích, nếu người ta học tập được về những sai lầm đó, nếu những sai lầm đó tôi luyện con người”.

Tuy nhiên, tự phê bình và phê bình theo quan điểm của Lênin không được theo khuynh hướng của chủ nghĩa cơ hội “tả khuynh”, theo lối cục bộ, bè phái gây chia rẽ, mất đoàn kết. Trong suốt quá trình hoạt động cách mạng của mình, Lênin đã kiên quyết đấu tranh chống các quan điểm sai trái, lợi dụng cái gọi là “tự do phê bình” để phá hoại tổ chức đảng. Người phê phán những người cộng sản “tả khuynh” đã không có thái độ nghiêm túc trước những sai lầm của mình, cho nên họ không phải là đảng của giai cấp, không phải là đảng của quần chúng lao động, chỉ là những nhóm nhỏ mang tính bè phái. 

Lênin, Bắc Giang, Đảng Cộng sản,

Tượng V. I. Lênin trong khuôn viên Điện Smolnyi (Liên bang Nga). 

Người khẳng định: “Ai không cố ý nhắm mắt lại thì không thể không thấy rằng, khuynh hướng “phê bình” mới trong chủ nghĩa xã hội, chẳng qua chỉ là một loại hình mới của chủ nghĩa cơ hội mà thôi...”.

Đảng cộng sản, ngay cả khi cầm quyền lãnh đạo cũng như một cơ thể sống, do đó tất yếu trong nội bộ đảng luôn tồn tại những mặt đối lập và mâu thuẫn. Song, vấn đề phải được hiểu là những mặt đối lập, mâu thuẫn ấy không phải là mâu thuẫn đối kháng, nó cần được giải quyết thông qua tự phê bình và phê bình. Như vậy, mục đích của đấu tranh, tự phê bình và phê bình là góp ý, nói thẳng, nói thật, chỉ ra những sai lầm, khuyết điểm, nhằm giải quyết mâu thuẫn trong nội bộ, củng cố sự đoàn kết thống nhất, để xây dựng tổ chức, giúp đỡ nhau cùng tiến bộ, cùng nhau hoàn thành tốt nhiệm vụ, chống lại những quan điểm sai trái; tránh việc lợi dụng tự phê bình và phê bình để chỉ trích cá nhân, nói xấu, hạ thấp uy tín của nhau.

Tự phê bình và phê bình được diễn ra thường xuyên, trên tất cả các mặt hoạt động của đảng và với mọi cán bộ đảng viên, được thể hiện qua nhiều hình thức, nhưng phải bảo đảm tính khách quan, chân thành, cởi mở; phải cứng rắn về nguyên tắc, mềm dẻo, khéo léo về cách thức và phải trên tinh thần đồng chí. Theo Lênin,“phê phán” và “luận chiến” ở đây là cần thiết, nhưng “chỉ được phê phán công khai, trực tiếp rõ ràng và minh bạch chứ không phải “bới lông tìm vết”, không phải “châm chọc, soi mói” lẫn nhau, phải đứng vững trên quan điểm, chủ trương, chính sách của đảng và phải được tiến hành trong tổ chức đảng, không được dùng nó để gây rối, gây chia rẽ, mất đoàn kết nội bộ, dẫn đến việc phá vỡ sự tập trung thống nhất trong Đảng.

Tự phê bình và phê bình theo quan điểm của Lênin là phải cụ thể, thiết thực và kịp thời, điều này đòi hỏi sự đấu tranh không phải mang tính chất chung, trung bình chủ nghĩa mà cần có nội dung, địa chỉ rõ ràng, chỉ ra được cái đúng, chỗ sai, nguyên nhân của những vấn đề đó và phương hướng khắc phục, phải gắn với điều kiện cụ thể của từng tổ chức đảng và mọi cán bộ đảng viên.

Người nói: Khi các đồng chí nghe thấy một lời phê phán như thế, một sự phê phán không có nội dung, một sự phê phán để mà phê phán thì các đồng chí hãy đề phòng, tự phê bình là một điều rất hay, nhưng khi tất cả chúng ta đã tán thành điều đó, thì sẽ là rất hay nếu chúng ta chú ý cả đến vấn đề nội dung phê bình nữa. Tính cụ thể, thiết thực của tự phê bình và phê bình trong đảng còn thể hiện ở việc hướng vào việc kiểm điểm, phân tích, đánh giá, phê phán những vấn đề cấp bách trước mắt của tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên, trước hết là hướng vào việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, chức trách, nhiệm vụ và việc tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất năng lực, phong cách làm việc. 

Tự phê bình và phê bình được tiến hành một cách kịp thời sẽ hạn chế được sai lầm, khuyết điểm, không để chúng tích tụ lại, làm trầm trọng lên và ngăn chặn không cho những thiếu sót sai lầm của tổ chức đảng và của cán bộ, đảng viên bị tái diễn, kéo dài; giúp cho cán bộ, đảng viên sửa chữa, khắc phục ngay những khuyết điểm, từ đó phấn đấu thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ được giao.

Một số vấn đề đặt ra hiện nay

Những chỉ dẫn trên của Lênin dù chỉ đề cập đến ở một khía cạnh, một vấn đề cụ thể trong công tác xây dựng đảng nhưng cho ta thấy bản lĩnh, tầm cao trí tuệ và nhân cách của một vị lãnh tụ thiên tài có ảnh hưởng lớn trên phạm vi toàn thế giới. Kỷ niệm 150 năm ngày sinh của Lênin vĩ đại 22/4 (1870 - 2020), chúng ta nghĩ tới những điều người chỉ dẫn trên là nghĩ về một phần nhỏ di sản mà Người để lại. Đó là di sản của bậc vĩ nhân, người đã truyền bá, vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác vào nước Nga từ cuối thế kỷ XIX đến những năm 20 của thế kỷ XX. Dù Người đã đi xa, từ giã thế gian này từ gần 100 năm nay nhưng những chỉ dẫn này của Người còn giá trị mãi, còn nguyên tính thời sự trong sự nghiệp đổi mới của chúng ta.

Cách đây hơn 90 năm, sau khi đã bôn ba khắp các châu lục trên thế giới để tìm con đường cứu dân, cứu nước, Bác Hồ đã đến với Lênin và quyết định đi theo con đường của Lênin, trong tác phẩm Đường cách mệnh, Bác đã khẳng định:“Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất là chủ nghĩa Lênin”. Trong bài báo viết năm 1955, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Lênin đã để lại cho chúng tôi một kho tàng lý luận vô ngần… Lênin là tượng trưng cho cho sự thống nhất của Đảng, cho sự thống nhất hàng ngũ Đảng, cho việc giữ vững kỷ luật cách mạng, cho sự trung thành không bao giờ suy suyển đối với sự nghiệp vĩ đại của chủ nghĩa cộng sản và lòng tin sắt đá ở thắng lợi cuối cùng”. 

Bác và Đảng ta tiếp thu, vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác- Lênin vào điều kiện cụ thể của nước ta, lãnh đạo nhân dân ta làm nên những thắng lợi vẻ vang của dân tộc. Những chỉ dẫn của Lênin về tự phê bình và phê bình được Bác và Đảng ta thường xuyên vận dụng có hiệu quả trong quá trình xây dựng đảng, xây dựng hệ thống chính trị và trong giáo dục rèn luyện các thế hệ cán bộ, đảng viên.

Hiện nay, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đang tích cực thực hiện tự phê bình và phê bình theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khoá XI, ngày 16/01/2012 "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay" và Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, ngày 30/10/2016 về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến" và "tự chuyển hóa" trong nội bộ. 

Kết quả cho thấy: “Quá trình tự phê bình và phê bình đã góp phần đấu tranh với những suy nghĩ và hành vi sai trái nhằm cảnh tỉnh, cảnh báo, răn đe, từng bước ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực,... được nhân dân đồng tình, ủng hộ”. Tuy nhiên: “Tự phê bình và phê bình nhiều nơi mang tính hình thức; vẫn còn tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm; một số cán bộ, đảng viên thiếu tự giác nhận khuyết điểm và trách nhiệm của mình trong công việc được giao…Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên chưa bị đẩy lùi, có mặt, có bộ phận còn diễn biến tinh vi, phức tạp hơn; tham nhũng, lãng phí, tiêu cực vẫn còn nghiêm trọng, tập trung vào số đảng viên có chức vụ trong bộ máy nhà nước. Tình hình mâu thuẫn, mất đoàn kết nội bộ không chỉ ở cấp cơ sở …” (trích NQTW Đảng lần thứ 4, khóa XII ) .

Vì vậy, trong thời gian tới, nhất là trong dịp đại hội Đảng các cấp theo tinh thần Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 30/5/2019 của Bộ Chính trị, các cấp ủy, tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên cần nghiên cứu, vận dụng thật tốt những quan điểm trên của Lênin, đồng thời tích cực học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương của Chủ tịch Hồ Chí Minh về tự phê bình và phê bình, để chuẩn bị tốt các văn kiện và tiến hành các nội dung trong quy trình công tác nhân sự, phục vụ đại hội nhiệm kỳ 2020-2025, nhằm đem lại hiệu quả thiết thực, làm cho đại hội thành công thật sự.

Nếu mỗi tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên đều thường xuyên, nghiêm túc tự phê bình và phê bình như Lênin và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy thì chắc hẳn đó sẽ là những tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh, những cán bộ, đảng viên gương mẫu và Đảng ta sẽ mãi là một Đảng cầm quyền, đủ phẩm chất và năng lực lãnh đạo đất nước vượt qua mọi khó khăn, thách thức, vững bước đi lên trên con đường xã hội chủ nghĩa. Đó cũng là điều các lãnh tụ thiên tài của chúng ta và nhân dân ta hằng mong muốn.
 

Tác giả bài viết: PGS.TS Thân Minh Quế

Nguồn tin: Báo Bắc Giang điện tử 22/4/2020

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://thanminhque.name.vn là vi phạm bản quyền

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Giới thiệu...

PGS. TS. Thân Minh Quế - Tỉnh ủy viên, Bí thư Đảng ủy Các Cơ quan tỉnh Bắc Giang.

Ca khúc: Người lái đò trên dòng đời
Thống kê
  • Đang truy cập65
  • Máy chủ tìm kiếm61
  • Khách viếng thăm4
  • Hôm nay15,704
  • Tháng hiện tại501,501
  • Tổng lượt truy cập15,114,518
ẢNH HOẠT ĐỘNG
Thăm dò ý kiến

Bạn biết đến Website này từ nguồn thông tin nào?

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây