BẮC GIANG VỚI CÁCH MẠNG THÁNG 8/1945

Chủ nhật - 05/06/2016 09:15
BẮC GIANG VỚI CÁCH MẠNG THÁNG 8/1945- TS. Thân Minh Quế 
BẮC GIANG VỚI CÁCH MẠNG THÁNG 8/1945

TS. Thân Minh Quế
TUV, Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh
Bắc Giang là một miền đất cổ, có truyền thống lịch sử gắn bó cùng với cả nước trong suốt bốn ngàn năm dựng nước và giữ nước. Bắc Giang từng được người xưa ví là vùng đất “phên dậu”, là một trong “tứ trấn” trọng yếu của đất nước chống lại những cuộc xâm lăng của các triều đại phong kiến phương Bắc xưa kia. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, Bắc Giang cũng là nơi ghi đậm những chiến công oanh liệt của nghĩa quân Yên Thế. Nơi đây có ATKII, nuôi dấu nhiều cán bộ lãnh đạo của Đảng, đảm bảo an toàn cho cơ quan đầu não của Trung ương, của Xứ ủy Bắc Kỳ, đồng thời cũng là nơi tổ chức nhiều lớp huấn luyện chính trị, quân sự, chuẩn bị lực lượng để tiến hành Tổng khởi nghĩa tháng 8/1945. Vào những ngày này cách đây 70 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân tỉnh Bắc Giang đã nhất tề vùng dậy đập tan xiềng xích nô lệ của chủ nghĩa thực dân, phong kiến, giành chính quyền về tay nhân dân, trở thành giành chính quyền sớm nhất trong Cách mạng tháng Tám. Thắng lợi đó không phải sự ngẫu nhiên, không phải “ăn may” như một số nhận định sai lệch. Qua phân tích nguyên nhân cấu thành sự thành công của Cách mạng tháng Tám ở Bắc Giang, có thể thấy đó là kết quả tất yếu khách quan.
Thứ nhất,  do đường lối, chủ trương đúng đắn,  kịp thời
Cũng như trên phạm vi toàn quốc, từ khi đặt chân xâm lược đến tỉnh ta, đi đôi với chính sách mị dân, mua chuộc, lừa phỉnh và chia rẽ dân tộc, thực dân Pháp đã áp dụng một chính sách rất tàn bạo, hà khắc, khiến cho nhân dân không có một chút tự do, dân chủ. Trong cách mạng giải phóng dân tộc, muốn chiến thắng một kẻ thù như vậy, không còn con đường nào khác ngoài con đường dùng bạo lực cách mạng chống lại bạo lực phản cách mạng, đánh đổ giai cấp thống trị, giành chính quyền về tay nhân dân.
Nhận định tương quan lực lượng giữa ta và địch, trong những năm đầu của thời kỳ cách mạng tháng Tám (1940 - 1941), các tổ chức đảng trong tỉnh đã chú trọng xây dựng lực lượng vũ trang và bắt đầu có những hoạt động vũ trang gây tiếng vang. Sang năm 1942, dưới ánh sáng của Nghị quyết Trung ương lần thứ Tám, Đảng chủ trương khôi phục, củng cố các đoàn thể cách mạng, nhằm xây dựng một đội quân chính trị mỗi ngày một to lớn, hùng hậu. Tiếp đó, lực lượng nửa vũ trang dưới hình thức tự vệ và tự vệ chiến đấu cũng lần lượt được ra đời và phát triển. Từ nửa cuối năm 1943 trở đi, với những chủ trương tích cực phát triển cơ sở, khẩn trương xây dựng lực lượng để chuẩn bị cho cuộc khởi nghĩa giành chính quyền, các lực lượng vũ trang trong tỉnh đã có sự lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng, phát huy tác dụng nòng cốt trong việc bảo vệ cán bộ, bảo vệ cơ quan của Đảng và hỗ trợ đắc lực cho các cuộc đấu tranh chính trị. Đặc biệt từ sau ngày 9/3/1945, một cao trào chống Nhật, cứu nước dâng lên mạnh mẽ, các tổ chức cách mạng của quần chúng phát triển nhanh chóng, lực lượng nửa vũ trang cũng lớn lên theo đà phát triển chung của phong trào. Tỉnh ủy đã chỉ định các đội viên tự vệ thoát ly và sử dụng những binh lính địch đã giác ngộ theo cách mạng, đi mở lớp huấn luyện quân sự ở các địa phương có cơ sở cách mạng, nhằm nâng cao trình độ kỹ thuật tác chiến cho các lực lượng nửa vũ trang và mau chóng mở rộng đội ngũ tự vệ.
Xây dựng được một lực lượng vũ trang và nửa vũ trang lớn mạnh trên cơ sở các tổ chức chính trị mỗi ngày một mở rộng, là một thành công lớn của Đảng bộ Bắc Giang. Một thành công nữa là Đảng bộ đã biết kịp thời chỉ đạo chuyển hướng đấu tranh và khéo kết hợp giữa hai hình thức đấu tranh chính trị và đấu tranh vũ trang cho phù hợp với điều kiện ở từng nơi, từng lúc
Phong trào cách mạng tháng Tám ở Bắc Giang có thể chia ra làm hai thời kỳ: Thời kỳ thứ nhất từ cuối năm 1939 đến tháng 3/1945, là thời kỳ tổ chức và tích trữ lực lượng để chuẩn bị cho cuộc khởi nghĩa giành chính quyền. Thời kỳ thứ hai từ trung tuần tháng 3/1945 đến tháng 8/1945, là thời kỳ vừa củng cố và phát triển lực lượng, vừa liên tục tiến công trực tiếp vào bộ máy chính quyền địch, đi từ khởi nghĩa từng phần tiến tới khởi nghĩa toàn tỉnh thắng lợi.
Ở mỗi thời kỳ, muốn dùng hình thức đấu tranh nào cho thích hợp để chiến thắng kẻ thù, đưa cách mạng đến thắng lợi phải căn cứ vào điều kiện cụ thể ở thời kỳ đó, tức là căn cứ vào sự so sánh lực lượng giữa ta và địch, vào thái độ phản ứng của các giai cấp, vào trình độ đấu tranh của quần chúng cách mạng. Những năm 1942 - 1944, Đảng bộ lấy đấu tranh chính trị làm chủ yếu. Sang thời kỳ thứ hai, thời kỳ sôi nổi của cao trào cách mạng (tháng 3 đến tháng 8/1945), Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, các cuộc đấu tranh này đều có sự hỗ trợ đắc lực của lực lượng vũ trang và kết hợp chặt chẽ với hình thức đấu tranh nửa vũ trang.
Trong điều kiện cả hai lực lượng chính trị và vũ trang đều lớn mạnh, phong trào đấu tranh chính trị kết hợp với đấu tranh nửa vũ trang của quần chúng cuồn cuộn dâng lên dưới những hình thức hết sức phong phú. Đảng đã mạnh dạn đưa hình thức đấu tranh nửa vũ trang lên hình thức đấu tranh vũ trang ở những nơi có điều kiện, như đánh chiếm và giành chính quyền. Những thắng lợi đó đã cổ vũ phong trào đấu tranh chính trị rộng lớn của quần chúng tiếp tục tiến lên.
Có thể nói rằng, một trong những vấn đề cốt yếu để Cách mạng Tháng Tám giành được thắng lợi là việc Đảng đã nhận định đúng thời cơ và chớp lấy thời cơ. Phong trào cách mạng Bắc Giang phát triển không đều nhưng từ sau cuộc đảo chính Nhật - Pháp, cả bộ máy ngụy quyền đã lung lay, dao động, nhất là ở cấp xã và huyện. Trước tình hình làn sóng cách mạng cuồn cuộn dâng cao trong cả nước, phong trào cách mạng trong tỉnh cũng có bước nhảy vọt, mặc dầu phát xít Nhật chưa đầu hàng Đồng minh và Trung ương chưa có lệnh khởi nghĩa, nhưng do quán triệt tinh thần các nghị quyết của Trung ương, nhất là Chỉ thị của Ban Thường vụ Trung ương ngày 12/3/1945 và căn cứ vào tình hình cụ thể của địa phương, Tỉnh ủy đã linh hoạt, chủ động, lãnh đạo khởi nghĩa từng phần ở các phủ, huyện, tiến lên khởi nghĩa giành chính quyền ở tỉnh, trước khi Trung ương có lệnh Tổng khởi nghĩa.
Như vậy, thành công của Cách mạng tháng Tám ở Bắc Giang đã làm sáng tỏ chân lý: Một dân tộc dù nhỏ yếu, dù lực lượng chủ yếu của cách mạng là nông dân, nhưng có Đảng của giai cấp công nhân lãnh đạo, có đường lối chính trị đúng đắn, đoàn kết toàn dân thành một khối, dám đứng lên đấu tranh và biết dùng hình thức đấu tranh thích hợp từng lúc, từng nơi thì nhất định chiến thắng bất kỳ một kẻ thù hung bạo nào.
Thứ hai, coi trọng công tác xây dựng, đào tạo đội ngũ cán bộ làm hạt nhân lãnh đạo quần chúng
Dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Trung ương và Xứ ủy, công việc chuẩn bị lực lượng cho Cách mạng tháng Tám ở Bắc Giang đã được chú trọng ngay từ đầu năm 1939, khi có triệu chứng sắp nổ ra Chiến tranh thế giới thứ hai. Tuy chưa có nghị quyết chính thức của Hội nghị Trung ương lần thứ 6, nhưng Trung ương đã cử cán bộ về giúp Bắc Giang lựa chọn những phần tử trung kiên trong các tổ chức công khai trước đây, tập hợp lại thành tổ chức quần chúng và gây cơ sở đảng, rút vào hoạt động bí mật để bảo toàn lực lượng cách mạng.
Để xây dựng lực lượng chuẩn bị cho cuộc khởi nghĩa giành chính quyền, tháng 11/1940, Trung ương mở hai lớp huấn luyện quân sự tại Thanh Vân và ấp Đồng Hang (Hiệp Hòa) nhằm đào tạo và cung cấp cán bộ quân sự cho các địa phương. Kết thúc lớp học, một số học viên được cử đi huấn luyện quân sự cho tự vệ trong và ngoài tỉnh. Lớp học này là một trong những lớp huấn luyện quân sự đầu tiên của Đảng được tổ chức, hình thành lớp cán bộ lực lượng vũ trang sau này.
Từ năm 1942 đến năm 1944, các lớp huấn luyện chính trị mở cho đối tượng cán bộ thoát ly đều có phần quân sự. Số lượng mở các lớp huấn luyện chính trị và quân sự được tổ chức nhiều lần ở nhiều địa bàn. Ngày 25/01/1944, Ban Cán sự Đảng tỉnh mở lớp bồi dưỡng phát triển Đảng cho 10 đối tượng trong 4 ngày tại Ca Sơn Hạ (huyện Phú Bình). Các quần chúng ưu tú trưởng thành từ thực tiễn đấu tranh, nhiệt huyết yêu nước và được giác ngộ cách mạng từ trước khi tham gia lớp bồi dưỡng đã hiểu sâu hơn về lý luận và thực tiễn đấu tranh cách mạng, trở thành những nhân tố tiếp tục đi sâu vào từng làng xóm vận động, tuyên truyền, gây dựng cơ sở cách mạng. Để chuẩn bị lực lượng vũ trang, tháng 7 /1944, Trung ương cử đồng chí Chu Đốc, cán bộ quân sự về Bắc Giang giúp tỉnh mở các lớp huấn luyện quân sự cho tự vệ, tiến tới tổ chức các đơn vị chiến đấu. Song song với việc mở các lớp huấn luyện chính trị ta còn mở các lớp huấn luyện quân sự ở các thôn xóm, bồi dưỡng cho tự vệ biết cách sử dụng vũ khí, kết hợp với việc củng cố và phát triển tự vệ
Như vậy, nhờ có sự tích cực chuẩn bị trong công tác đào tạo, huấn luyện mà Đảng bộ đã xây dựng được một đội ngũ cán bộ cốt cán nắm vững chính sách của Mặt trận Việt Minh và chủ trương của Đảng, kịp thời đáp ứng được yêu cầu về cán bộ của các địa phương đồng thời cũng xây dựng được lực lượng tự vệ trưởng thành cả về số lượng và chất lượng; đó là những yếu tố “đủ” để chúng ta kiên quyết đứng lên khởi nghĩa một cách mau lẹ và kịp thời.
Thứ ba, Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân
Thực hiện chính sách đoàn kết dân tộc nhằm tiến hành giải phóng dân tộc, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Xứ ủy Bắc Kỳ, Ban Cán sự tỉnh Bắc Giang đã chủ trương tập hợp đội ngũ quần chúng đông đảo gồm nhiều thành phần, không phân biệt gái, trai, già trẻ, giàu, nghèo. Trong đó đáng chú ý là đội ngũ hào lý, địa chủ. Việc tuyên truyền, giác ngộ đội ngũ hào lý đã có tác dụng khơi dậy tinh thần dân tộc mạnh mẽ, khai thác được cơ sở vật chất cho cách mạng, đồng thời che mắt được kẻ thù để có điều kiện thuận lợi cho cán bộ cách mạng hoạt động.
Thực hiện chủ trương của Trung ương, từ tháng 12/1940 đến tháng 3/1941, Đảng bộ tỉnh Bắc Giang mở một đợt tuyên truyền vận động nhân dân trong tỉnh hưởng ứng và ủng hộ Bắc Sơn và Nam Kỳ. Nội dung truyền đơn, áp phích và mít tinh ca ngợi tinh thần chiến đấu dũng cảm của quân và dân Bắc Sơn, Nam Kỳ, đồng thời vạch trần bản chất dã man, tàn bạo của thực Pháp và phát xít Nhật, kêu gọi nhân dân ủng hộ khởi nghĩa Bắc Sơn và Nam Kỳ.
Ngay từ khi có ánh sáng cách mạng, quần chúng nhân dân đã giác ngộ và đã đi theo Đảng làm cách mạng. Có những xóm, nhà nào cũng là cơ sở cách mạng như xóm Đá (làng Vân Xuyên- Hiệp Hòa) có 37 hộ thì 33 hộ nuôi và bảo vệ cán bộ. Có những địa phương, quần chúng hăng hái đi rải truyền đơn, treo cờ. Trong những lúc khó khăn, gian khổ, quần chúng nhân dân đã san sẻ cho cán bộ từng ngọn rau, bát cháo, thương yêu, đùm bọc như người ruột thịt. Trong dịp Tết Nguyên Đán Ất Dậu  . Ban Cán sự tỉnh đã phân công cán bộ về các huyện Hiệp Hòa, Phú Bình, Phổ Yên, Lục Ngạn, Lạng Giang... quyên góp lương thực, quần áo, chăn chiếu... mang lên Yên Thế hỗ trợ đồng chí, đồng bào. Nhờ sự đùm bọc, nhường cơm, sẻ áo không chỉ của nhân dân địa phương mà của cả nhân dân trong tỉnh, anh em Cứu quốc quân và các gia đình cách mạng Võ Nhai vẫn đủ cơm ăn, áo mặc, chăn đắp. Ngoài ra, có thể thấy một số ví dụ điển hình như nhân dân các huyện Hiệp Hòa, Yên Thế, Phủ Lạng Thương... đã quyên góp quần áo, lương thực, thuốc chữa bệnh... ủng hộ du kích Bắc Sơn. Nhân dân xã Hoàng Vân trong lúc đời sống còn nhiều khó khăn, lại giáp với tết Nguyên Đán cổ truyền nhưng vẫn ủng hộ được 700 đồng, 19 bộ quần áo, 126 con dao cuốc xới, liềm hái, 5 nồi đồng và 457 kg gạo tẻ và gạo nếp, hơn 20 kg đỗ các loại và một số đồ dùng khác. Khi một bộ phận lực lượng tự vệ Bắc Sơn sơ tán về Hoàng Vân đã được nhiều gia đình nhiệt tình nhường nhịn, chia sẻ “bát cơm manh áo”. Đó là biểu hiện của tình đoàn kết dân tộc, tình đoàn kết giai cấp, quyết tâm bảo vệ cách mạng của nhân dân Bắc Giang.
Cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở tỉnh ta diễn ra trong điều kiện thời cơ đã chín muồi, nhưng chính khí thế của quần chúng, biểu hiện sức mạnh của tinh thần đoàn kết dân tộc, đã làm cho các thế lực phản động khiếp sợ. Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám giúp chúng ra nhận thức sâu sắc hơn tư tưởng Hồ Chí Minh về vai trò của quần chúng nhân dân: “Trong bầu trời này không có gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới không có gì mạnh bằng sức mạnh của nhân dân”.
Với thành công của Cách mạnh tháng Tám, nhân dân các dân tộc Bắc Giang đã thực sự được làm chủ, phấn khởi đem hết tinh thần và nghị lực, trí tuệ và tài năng để xây dựng và bảo vệ nền độc lập, xây dựng cuộc sống mới. Để làm nên thắng lợi vẻ vang đó là kết quả của một quá trình đấu tranh lâu dài, gian khổ nhưng vô cùng anh dũng của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Bắc Giang, trong đó nguyên nhân quan trọng hàng đầu là: Chủ trương, đường lối đúng đắn, kịp thời; coi trọng công tác xây dựng, đào tạo đội ngũ cán bộ làm hạt nhân lãnh đạo quần chúng và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân.
Đó là truyền thống, niềm tự hào và cũng là bài học quý báu mà Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Bắc Giang chúng ta cần phát huy, để nêu cao quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, thách thức, nỗ lực phấn đấu thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh trên quê hương thân yêu./.
Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://thanminhque.name.vn là vi phạm bản quyền

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

ẢNH HOẠT ĐỘNG
Thăm dò ý kiến

Bạn biết đến Website này từ nguồn thông tin nào?

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây