Giải pháp phát triển kinh tế trang trại bền vững ở Yên Thế

Thứ ba - 20/10/2015 21:30
Những năm gần đây, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ đảng, sự điều hành của chính quyền huyện Yên Thế (Bắc Giang), các hộ nông dân đã phát huy tính tự chủ, tạo sức mạnh mới trong phát triển nông nghiệp và kinh tế nông thôn.
Giải pháp phát triển kinh tế trang trại bền vững ở Yên Thế

Kinh tế trang trại phát triển góp phần quan trọng làm tăng thu nhập trên một đơn vị diện tích đất nông nghiệp, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn Yên Thế.

Với ý nghĩa đó, trong thời gian qua, huyện đã xây dựng các kế hoạch, đề án, có cơ chế thích hợp thực hiện chính sách dồn điền, đổi thửa, chuyển ruộng trũng cấy lúa không ăn chắc sang nuôi trồng thuỷ sản; thực hiện lồng ghép các chương trình khuyến nông, khuyến lâm để hỗ trợ cây, con giống, vật tư, hỗ trợ mua máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp từ nguồn ngân sách huyện và chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình giảm nghèo 134, 135; hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng; chỉ đạo các cơ quan chức năng, các tổ chức, đoàn thể nhân dân phối hợp kịp thời với các xã, thị trấn mở các lớp tập huấn, chuyển giao KHKT đến các hộ nông dân, qua đó góp phần quan trọng thúc đẩy và tạo điều kiện cho kinh tế trang trại phát triển.

Năm 2011, 2012 tổng giá trị hàng hoá, dịch vụ các trang trại tạo ra đạt hàng trăm tỷ đồng, thu hút và tạo công ăn việc làm ổn định cho hàng nghìn lao động ở địa phương và các huyện lân cận trong tỉnh.

Phát huy tiềm năng, thế mạnh của huyện về phát triển kinh tế rừng, vườn đồi kết hợp với chăn nuôi, nhiều mô hình trang trại tổng hợp đã đem lại hiệu quả kinh tế cao cho thu nhập từ 200-500 triệu đồng/năm. Theo thống kê từ tháng 7-2009, toàn huyện có trên 5.000 hộ gia đình đạt chuẩn về sản xuất kinh doanh giỏi, có mức thu nhập từ 50 triệu đồng/năm trở lên, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của các chủ trang trại trên địa bàn.

Đến nay, Huyện uỷ đã chỉ đạo hình thành vùng cây ăn quả với diện tích 5.978 ha; trong 5 năm qua, đã trồng mới trên 4.500 ha rừng, nâng độ che phủ của rừng đạt 43,5% (cao hơn bình quân chung của tỉnh); tốc độ tăng trưởng giá trị chăn nuôi bình quân đạt 19,8%/năm. Năm 2012, toàn huyện có đàn trâu, bò gần 15.000 con; đàn lợn trên 80.000 con; đàn gia cầm đạt trên 4 triệu con. Yên Thế tiếp tục là một trong những huyện có số lượng tổng đàn gia cầm lớn nhất toàn quốc.

Với những kết quả đạt được về phát triển kinh tế trang trại đã và đang góp phần quan trọng vào xoá đói giảm nghèo, từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của một bộ phận lớn nhân dân, làm cho bộ mặt nông thôn có nhiều đổi mới. Huyện Yên Thế đã và đang là điểm sáng trong phát triển kinh tế rừng kết hợp với chăn nuôi gà đồi được nhiều đoàn khách quốc tế, khách ở các tỉnh bạn, huyện bạn đến tham quan và học tập kinh nghiệm.

Để kinh tế trang trại của huyện Yên Thế tiếp tục phát triển bền vững, nâng cao thu nhập cho người nông dân, xin đề xuất tập trung vào một số giải pháp sau: Trước hết, các cấp, ngành quan tâm chỉ đạo hoặc phối hợp với các ngân hàng tạo điều kiện thuận lợi nhất để các hộ nông dân nói chung và các chủ trang trại nói riêng được vay vốn, nhất là đối với các dự án chăn nuôi, trồng cây lâm nghiệp có hiệu quả để mở rộng sản xuất; tiếp tục thực hiện đề án hỗ trợ lãi suất cho nông dân vay vốn để phát triển sản xuất; sớm triển khai sâu rộng và toàn diện trong nhân dân về bảo hiểm đối với ngành nông nghiệp. Chỉ đạo các ngành, các cơ quan chức năng tăng cường công tác kiểm tra và quản lý chất lượng các loại vật tư phục vụ sản xuất như: giống cây trồng, vật nuôi, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, vệ sinh an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường để tránh rủi ro cho người sản xuất. Cần có các chế tài xử lý nghiêm minh, thích đáng đối với các tổ chức, cá nhân buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, vì đây là một trong những nguyên nhân chủ yếu gây thiệt hại lớn đến hộ gia đình nói chung và các chủ trang trại nói riêng.

Tổ chức thực hiện có hiệu quả các chương trình hỗ trợ của Nhà nước trong sản xuất nông nghiệp như: xây dựng mô hình, dự án điểm sản xuất cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao theo hướng an toàn vệ sinh dịch bệnh; công tác đào tạo, tập huấn, chuyển giao tiến bộ KHKT; đầu tư cơ sở hạ tầng; tăng cường thông tin thị trường giá cả, hỗ trợ các chủ trang trại tìm kiếm thị trường đầu ra; liên kết sản xuất giữa các doanh nghiệp, các nhà khoa học với các chủ trang trại.

Có cơ chế khuyến khích các chủ trang trại sử dụng đất vượt hạn điền để mở rộng quy mô sản xuất; bảo đảm nguồn điện ổn định. Có kế hoạch xây dựng và nhân rộng mô hình chăn nuôi tập trung, chú trọng phát triển các mô hình chế biến sau thu hoạch để nâng cao giá trị nông sản hàng hoá và khả năng tiêu thụ sản phẩm. Trong đó cần ưu tiên đầu tư hình thức chế biến nông sản với quy mô nhỏ để phù hợp với khả năng của các chủ trang trại và điều kiện sản xuất thực tế của từng địa phương trên địa bàn tỉnh.

Hướng dẫn các chủ trang trại tăng cường sự liên kết theo hình thức hiệp hội, tổ hợp sản xuất, nhằm hỗ trợ nhau về vốn, kỹ thuật sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, chủ động tìm hiểu thông tin thị trường, tích cực áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, từng bước nâng cao chất lượng, hạ giá thành nông sản, tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm của mình làm ra, đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Nguồn tin: Thân Minh Quế

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

ẢNH HOẠT ĐỘNG
Thăm dò ý kiến

Bạn biết đến Website này từ nguồn thông tin nào?

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây